Lời cầu xin cha mẹ, thầy cô 'cho chúng con đường sống' của học sinh rúng động cộng đồng mạng

Bảo Ngọc |

Có lẽ nhiều phụ huynh sau khi đọc xong bức thư sẽ thấy mình trong tiếng kêu cứu của con trẻ vì áp lực từ học tập.

Mới đây, trên diễn đàn về học đường, nhiều người chú ý đến bức thư của học sinh với thông điệp khiến các phụ huynh suy ngẫm. Cách đây 2 năm, bức thư này từng được chia sẻ và gây rúng động cộng đồng mạng bởi câu nói "Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe chữ Học".

Theo thông tin được đăng tải, đây là bức thư do một học sinh cấp 3, là học sinh giỏi từ lớp 1 tới lớp 9 tại TP.HCM. Bức thư là lời kêu gọi thống thiết tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo”, nói rằng em ghét việc học.

Mở đầu bức thư, học sinh này viết: "Kính thưa các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo! Cháu xin được trút hết nỗi lòng giấu giếm suốt bấy lâu nay và cháu, cũng như nhiều bạn học sinh khác, mong chờ sẽ nhận được những lời chia sẻ cũng như ý kiến của các bác lãnh đạo, các phụ huynh và các thầy cô.

Nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi. Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ Học".

Bức thư này tuy có nhiều chỗ diễn đạt lủng củng nhưng người đọc có thể thấy sự chân thật trong suy nghĩ, tâm trạng và cả nỗi lo sợ của em khi nghĩ đến việc học. Nữ sinh tâm sự rằng em ghét cái cảm giác bước qua cổng trường, mở sách giáo khoa, chép từng trang vở. Từng ngày đi học, học sinh không chỉ quay cuồng với việc học bài, kiểm tra mà còn phải chịu áp lực từ thầy cô, gia đình.

Lời cầu xin cha mẹ, thầy cô cho chúng con đường sống của học sinh rúng động cộng đồng mạng  - Ảnh 1.

Một trích đoạn trong bức thư khiến nhiều bậc phụ huynh suy ngẫm về tiếng lòng con trẻ. (Ảnh chụp màn hình)

Cô bé này cho rằng chương trình học hiện tại không cho phép học sinh sáng tạo. Tất cả bị bó buộc vào những quy luật nhất định và học sinh phải làm theo chứ không được thay đổi.

Những mảng kiến thức như "Chuyển động tròn đều", "Chiều tăng giảm của hàm số"... khiến nhiều học sinh hoang mang, học rồi lại quên. Thầy cô chỉ miệt mài với bài giảng, giao bài tập về nhà nhưng chưa bao giờ nhắc đến bất kỳ ứng dụng nào của những kiến thức này trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, điều mà học sinh này hoảng sợ chính là lúc mọi người đánh giá các em chỉ thông qua những điểm vô giá trị. Tuy vô giá trị nhưng điểm số từng đẩy biết bao số phận học sinh vào đường cùng, khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và giáo viên – học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

Không chỉ lo sợ, học sinh thời nay thậm chí không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn. Tác giả kể câu chuyện ám ảnh: Em chứng kiến cảnh cô bạn thân bắt đầu việc học từ 5h30 cho tới 23h. Sau khi kết thúc quãng thời gian kinh hoàng ấy, khuôn mặt bạn phờ phạc, ánh mắt bơ phờ, sau đó là mất ngủ và bị những cơn đau dạ dày hành hạ.

Nhận thức được việc mình sẽ là "chuột bạch" khi mùa thi cử tới gần, bởi mỗi năm đề thi đại học lại đổi mới một kiểu, tác giả nhận ra mọi chuyện sẽ không thể tốt lên. Rồi sau tất cả, khi rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, tất cả các em sẽ lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kĩ năng sống cần thiết.

Cuối thư, cô nữ sinh đưa ra đề nghị, cũng là lời van xin: "Cháu cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo hãy cho chúng con được "Sống". Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn.

Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài. Cuối cùng, con xin mọi người hãy hiểu: Học sinh cũng chỉ là con người, không phải máy móc".

Dù là nội dung từng được đăng tải nhưng "bức tâm thư" của cô nữ sinh, một lần nữa nhận được hàng nghìn lượt tương tác trên khắp các diễn đàn mạng. Hầu hết mọi người bày tỏ sự đồng cảm, xót xa trước "tiếng kêu cứu" thảm thiết của cô bé này.

Tài khoản C.H. viết: "Khi những đứa con dám đứng lên nói thật lòng mình, những tâm sự, suy tư thật của cô bé đang tuổi chập chững trưởng thành. Mong là các bậc phụ huynh đọc và suy ngẫm để tỉnh táo trong việc dạy các con. Đừng vì những thứ ganh đua mà hủy hoại đam mê và niềm ham sống của con. Học ở trường cũng chỉ là một phần, không thể qua đó mà đánh giá toàn diện các con".

"Hồi chuông cảnh tỉnh cho những phụ huynh đang đồng hành cho các con trên chặng đường học và ôn thi. Học nhiều chưa chắc đã là điều tốt nhưng học sao cho phù hợp và có thời gian để con phát triển thêm nhiều thứ năng khiếu khác thì đó mới chính là điều tuyệt vời" là ý kiến của L.A.

"Có lẽ cô bé trong câu chuyện trên từng rất mệt mỏi, suy nghĩ, buồn phiền và thậm chí căng thẳng chạm ngưỡng tột độ khi nhà trường, gia đình đều là nơi khiến bạn ấy cảm thấy không có nguồn sống. Học âu là cái tốt, nhưng nhiều con trẻ sinh ra tầm nhận thức cũng ở mức trung bình, không thể bắt con phải giỏi, phải như "con nhà người ta".

Ôm mộng mãi những suy nghĩ như vậy vô tình gây ảnh hưởng đến tâm trạng con trẻ, nhất là chúng đang ở lứa tuổi dậy thì, nhạy cảm và có thể thiếu kiểm soát", T.V. bình luận.

"Kính thưa các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo!

Cháu xin được trút hết nỗi lòng đã giấu diếm suốt bấy lâu nay và cháu, cũng như nhiều bạn học sinh khác mong chờ sẽ nhận được những lời chia sẻ, cũng như ý kiến của các bác lãnh đạo, các phụ huynh và các thầy cô.

Đã nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi.

Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC.

Không biết tự bao giờ, thời gian chúng cháu đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng cháu được ngủ. Đối với cháu, càng học cao hơn, kiến thức càng trở nên vô nghĩa.

Cháu biết nói ra điều này thật vô ơn. Để có được những kiến thức hôm nay là công sức đầy gian lao của những người đi trước.

Nhưng cháu tự nghĩ, vì sao giáo viên chỉ có thể dạy một bộ môn nhưng bản thân một học sinh phải học những mười mấy môn?

Không chỉ vậy, chúng cháu còn chịu áp lực nặng nề từ thầy cô, phụ huynh và cả xã hội. Một lớp học phải có từ 40 em được học sinh Giỏi, Khá và không được có học sinh Trung bình.

Đã đi học thì các môn tổng kết cả năm phải từ 8 điểm trở lên, thậm chí là cao hơn. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường sau một năm phải đạt 90% trở lên, có trường phải giữ vững mục tiêu là 100%.

Cháu đã nhiều lần suy nghĩ về những gì chúng cháu đang được học. Càng nghĩ, cháu càng cảm thấy nản hơn khi cháu nhận ra mình gần như không thể tiếp nhận những kiến thức nhà trường dạy.

Bộ não của một người trưởng thành chỉ nặng gần 1400 gam nhưng những người của thế hệ đi trước lại mong chờ chúng cháu học đều, học tốt lượng kiến thức khổng lồ từ hơn mười môn học khác nhau.

Cháu sợ lắm ! Cháu sợ mỗi khi ông mặt trời lại lên báo hiệu một ngày đi học nữa lại đến. Cháu sợ khi điều đầu tiên thầy cô làm khi bước vào lớp là khảo bài, kiểm tra một núi bài tập họ giao cho chúng cháu.

Cháu sợ khi tiếng trống giờ về không đồng nghĩa với việc chúng cháu được về nhà nghỉ ngơi mà nó chỉ đơn thuần là giờ ra chơi giữa giờ học chính khóa và giờ học thêm.

Cháu sợ khi nhìn các bạn đồng trang lứa ăn vội vàng cái bánh bao và ánh mắt họ đờ đẫn, xa xăm, vô hồn ngồi trên chiếc xe máy giữa dòng người kẹt xe lúc 5h chiều.

Thưa các bác, các bác phụ huynh, các thầy cô!

Còn biết bao nhiêu câu chuyện chưa được kể về những áp lực vô hình mà mọi người đang vô tình đặt lên vai chúng cháu.

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" – Đó là điều đầu tiên cháu học được khi bước vào lớp 1. Và cho đến giờ, khi đang ở độ tuổi 18, cháu căm ghét cái câu nói này kinh khủng.

Cháu xin lỗi khi nói ra những điều này, cháu biết việc này sẽ khiến cho những người đi trước khó chịu nhưng cho phép cháu được nói lên nỗi lòng mình: Cháu ghét đi học.

Cháu ghét cái cảm giác bước qua cổng trường, mở cuốn SGK, chép từng trang vở. Cháu cảm giác mình lạc hướng… Từng ngày đi học, chúng cháu quay cuồng với việc học bài, kiểm tra.

Những năm tháng dần trôi qua một cách vô nghĩa dưới áp lực của việc học hành, của thầy cô, của gia đình. Chương trình học hiện tại không cho phép học sinh chúng cháu có quyền sáng tạo. Tất cả bị bó buộc vào những quy luật nhất định và chúng cháu – những người học sinh bắt buộc phải làm theo chứ không được thay đổi.

Chính bản thân chúng cháu còn không hiểu mình đang học vì cái gì, vì ai! Học vì kì vọng của mọi người xung quanh, học vì điểm số, học để qua được một kì kiểm tra ư? Xong rồi sao nữa?

Cuối cùng sau hơn 20 năm học tập miệt mài, căng thẳng chúng cháu còn phải sống một cuộc đời rất dài và tới lúc đó, chúng cháu sẽ phải áp dụng những kiến thức đã học được vào cuộc sống.

Nhưng cháu đã nhiều lần tự hỏi, cháu có thể sử dụng "Chuyển động tròn đều", "Chiều tăng giảm của hàm số" hay Vecto trong cuộc đời thật như thế nào?

Chúng cháu cứ học rồi lại quên, thầy cô thì cứ lao đầu vào giảng, giao bài tập về nhà nhưng họ chưa bao giờ nói cho chúng cháu nghe ứng dụng của những kiến thức này trong cuộc sống.

Từ một lúc nào đó, mọi người lại đánh giá nhau thông qua những con điểm.

Chì vì những con điểm vô giá trị mà đã đẩy biết bao số phận học sinh vào bước đường cùng, đã khiến cho mối quan hệ chữa cha mẹ - con cái và giáo viên – học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

Cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh HỌC. Chúng cháu không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn.

Chúng cháu gần như không còn hiểu được giá trị của những bữa ăn bên gia đình vì gần như suốt một tuần chúng cháu chỉ gần như học thêm đến khi trời tối mịt.

Người bạn ngồi kế cháu, bạn ấy học rất giỏi và các thầy cô đều rất yêu quý bạn ấy. Nhưng bạn ấy khổ lắm. Nhà bạn ấy ở Quận 12 và bạn ấy phải đi xe buýt tới Quận 1 để học thêm mỗi ngày.

Từng ngày đi học của bạn ấy bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 11h đêm. Bạn ấy đã kiệt sức rồi, cháu biết điều đấy. Khuôn mặt bạn phờ phạc, ánh mắt bạn bơ phờ, bạn bị thiếu ngủ và đau dạ dày.

Những người như bạn cháu không thiếu ngay tại chính TP.HCM này.

Học sinh chúng cháu sống thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm và không có kĩ năng sống. Chúng cháu không biết phải làm gì nếu có động đất, sóng thần hay gặp một người bị đột quỵ ngay giữa đường.

Người lớn thất vọng vì cách ứng xử của thế hệ trẻ trong khi thế hệ trẻ chúng cháu lại thất vọng vì đang được giáo dục không có định hướng.

Thưa các bác, là một học sinh, cháu đã vô cùng xúc động khi nghe chủ trương không dạy thêm. Cái cảm giác vui mừng chợt chạy qua người cháu khi nghĩ đến cảnh chúng cháu không còn phải còng lưng ra học bài lúc 11h đêm nữa.

Nhưng hiện thực tàn khốc của việc học đã không cho cháu được vui mừng lâu. Trước cảnh mỗi năm đề thi Đại học lại đổi mới một kiểu, trước cảnh cô giáo viên dạy Toán của chúng cháu quảng cáo về lớp dạy thêm của cô một cách bí mật, cháu nhận ra mọi chuyện sẽ không hề tốt lên được, sẽ không bao giờ tốt lên được.

Rồi sau tất cả, khi chúng cháu rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, chúng cháu lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kĩ năng sống cần thiết.

Cháu cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo: Xin hãy cho chúng con được SỐNG. Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể.

Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bọn con bị điểm kém.

Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài.

Cuối cùng, con xin mọi người hãy hiểu: HỌC SINH CŨNG CHỈ LÀ CON NGƯỜI, KHÔNG PHẢI MÁY MÓC".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại