Lời cảnh báo từ chuyện ông Hồ Huy chạy xe ôm

Lê Thanh Phong |

Hình ảnh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh - ông Hồ Huy - chạy xe ôm được tung lên mạng xã hội và các báo, nhiều người cho rằng, ông Hồ Huy làm hình ảnh để PR cho Mai Linh Bike.

Có thể ông chủ Mai Linh cố tình chạy xe ôm để báo chí làm một cú truyền thông không công cho ông, cũng như chiêu thức mà bầu Đức từng làm. Nhưng thôi, bỏ chuyện PR vặt đó đi, để chuyển sang một vấn đề khác đáng để bàn hơn.

Giữa năm 2017, Mai Linh cũng cắt giảm tới 6.000 nhân viên (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016, chưa kể một đống nợ trên đầu.

Nguyên nhân là Grab, Uber chiếm lĩnh thị trường tại TPHCM và Hà Nội, cạnh tranh quá ác liệt, và tất nhiên hai đối thủ kia làm chủ tình hình. Họ đã thắng vì một lẽ thường tình, họ làm chủ công nghệ.

Kiện họ ư, đã kiện rồi, thậm chí taxi truyền thống còn chơi màn rất trẻ con là dán khẩu hiệu tố cáo Uber, Grab vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng cuối cùng vẫn lép vế trong cuộc cạnh tranh không cân sức này.

Thị trường chấp nhận thì không ai chặn được đường kinh doanh của họ.

Chỉ có một cách duy nhất là các đối thủ cạnh tranh phải thay đổi, cụ thể là theo kịp thời đại công nghệ thì mới tồn tại, mọi sự chống chọi bằng cách đổ lỗi cho người khác giỏi hơn mình chỉ chuốc thêm thất bại.

Ông chủ Mai Linh phải chịu khó làm xe ôm công nghệ để cứu lấy tập đoàn khỏi rơi xuống vực thẳm là một ví dụ.

Rồi đây sẽ còn có nhiều ông chủ tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam phải “xuống đường” tương tự như ông Hồ Huy xuống đường chạy xe ôm. Bởi lẽ, những máy móc, dây chuyền công nghệ mà các doanh nghiệp đang sử dụng, vận hành đã quá lỗi thời, sẽ không còn phù hợp trong nay mai.

Ai cũng nói thay đổi công nghệ, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, chỉ đến khi có một đối thủ sử dụng công nghệ bước ra thị trường thì mới la toáng lên, nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Giả sử các hãng taxi chuyển sang sử dụng công nghệ như Uber, Grab, thì cũng không thể bằng họ. Đó là lời cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ vài năm tới, trong các nhà máy sản xuất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi các hình thức vận hành hiện nay, robot thay thế gần như toàn bộ công việc mà con người đang làm.

Lúc đó sản phẩm của họ giá thành sẽ giảm tối đa. Và đương nhiên, các nhà máy sử dụng chủ yếu lao động chân tay như Việt Nam chỉ còn cách đóng cửa.

Và lúc đó, coi chừng các ông chủ xuống đường chạy xe ôm thật chứ không phải chạy xe ôm làm diễn viên như ông Hồ Huy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại