Lời cảnh báo đến từ Nam Cực

Bảo Thư |

Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC) của Mỹ hôm 19/2 công bố báo cáo mới, theo đó diện tích băng biển ở Nam Cực đã giảm xuống chỉ còn 1,91 triệu km2.

Lời cảnh báo đến từ Nam Cực - Ảnh 1.

Băng tan nhanh, “làm khó” cho chim cánh cụt ở Nam Cực. Nguồn: WMO.

Đây là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập năm 1979. Theo NSIDC, chỉ vài tuần nữa Nam Cực sẽ bước vào mùa tan băng và mức băng biển sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trước khi dần đạt mức tối thiểu trong năm. Băng biển tan chảy ở Nam Cực không tác động rõ rệt đến mực nước biển hiện tại vì băng vốn đã nằm trên đại dương. Tuy nhiên, băng biển này lại đang bao quanh các thềm băng khổng lồ của Nam Cực.

Vì thế, theo NSIDC, việc băng biển biến mất làm lộ các thềm băng trước tác động của sóng và nhiệt độ ấm hơn, từ đó đe dọa làm các thềm băng này dễ tan chảy và khiến mực nước biển dâng lên nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên trong những thế kỷ tới. Sự tan chảy của băng biển cũng góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu ấm dần lên. Biển băng trắng phản xạ đến 90% năng lượng mặt trời trở lại không gian. Khi nó bị thay thế bởi biển tối, không đóng băng, nước biển sẽ hấp thụ phần lượng nhiệt tương đương như trên.

Đáng chú ý, không chỉ Nam Cực mà Bắc Cực cũng đang thu hút nhiều quan tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tỉ phú người Mỹ George Soros hôm 19/2 bày tỏ ủng hộ ý tưởng sử dụng công nghệ địa năng lượng mặt trời để bảo vệ băng Bắc Cực khỏi sự tan chảy. Theo đó, các đám mây trắng nhân tạo sẽ được sử dụng để gia tăng phản xạ năng lượng mặt trời của băng ở Bắc Cực.

Trong khi đó, Liên hợp quốc đã nhiều lần cảnh báo “án tử” cho các quốc gia khi nước biển dâng cao do sự nóng lên toàn cầu có thể thúc đẩy cuộc di cư ồ ạt của toàn bộ dân số từ các vùng trũng thấp ven biển, ước tính 900 triệu người. Thảm họa này còn tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết đối với nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác, đồng thời dẫn đến những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải.

Tờ The Washington Post dẫn dữ liệu từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy tốc độ tăng trung bình của mực nước biển toàn cầu đã bắt đầu tăng kể từ năm 1900. Tốc độ ấm lên của đại dương trong thế kỷ XX cũng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 11.000 năm qua. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres từng nhiều lần cảnh báo về “sự hỗn loạn khí hậu”, và rằng thế giới đang trên đường vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C - giới hạn duy trì một tương lai có thể sống được. Tuy nhiên, mức tăng này đang hướng tới con số 2,8 độ C mà điều đó sẽ là “án tử đối với các quốc gia dễ bị tổn thương”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top