Với một tín đồ công nghệ như tôi, logo 7 tỷ của Xiaomi những ngày qua thực sự là một sự kiện đặc biệt. Nó đặc biệt không phải vì mức giá kinh khủng cho một chiếc logo gần nguyên như cũ, mà là vì "độ phủ" quá khủng khiếp.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi thấy thương hiệu Trung Quốc này không chỉ nhận được rất nhiều sự chú ý trên các trang tin công nghệ mà là cả các trang tin vốn chuyên về các lĩnh vực khác, ví dụ như kenh14.vn (tuổi teen) hay cafebiz.vn (kinh doanh).
Facebook của tôi cũng chứng kiến hiện tương tương tự. Ngay cả các anh chị em vốn suốt đời trung thành với iPhone (và có lẽ chỉ mua tai nghe hay pin Xiaomi) cũng nói đến logo 7 tỷ ấy.
Với họ, đây thực sự là một "drama" thú vị: một công ty bỏ ra cả đống tiền chỉ để bo tròn một chút cái logo của họ. Sự thú vị/nực cười càng lên cao khi Xiaomi tải logo mới lên Facebook, bức ảnh bị crop hết phần xung quanh và trở nên… không khác gì so với logo cũ.
Màu sắc gần như giữ nguyên, font chữ giữ nguyên: Khi 4 góc bo tròn là chủ đề bàn tán của cư dân mạng.
Với riêng tôi, bước đi này của Xiaomi đã ngay lập tức gợi nhắc về Apple, công ty mà Xiaomi đã luôn "học hỏi" một cách không biết xấu hổ . Và nhìn vào cách người ta nói về logo của Xiaomi, tôi nghĩ "Apple Trung Quốc" đã học được bài học quan trọng nhất từ Apple "chính hiệu":
Trên tất cả, hãy nhớ rằng những người điều hành Apple luôn suy nghĩ cực kỳ thấu đáo. Không có phản ứng nào của người dùng là nằm ngoài dự đoán của họ.
Sự khôn ngoan của Xiaomi
Trước hết, hãy cùng nhìn vào bản chất thực sự của chiếc logo 7 tỷ. Đúng, ai cũng có thể nhận ra rằng logo này không khác nhiều so với logo trước. Và trừ giới designer, không mấy ai lại thừa thời gian đi đo từng góc của mấy chiếc logo để tìm ra "sự hoàn mỹ". Hãy nhớ lại khi Google thay đổi logo của cả loạt ứng dụng , bị chê nhiều đến thế rồi cũng chẳng ai quan tâm nữa. Tôi dám cá với bạn rằng, nếu chúng ta không nói nhiều về mức giá, sẽ chẳng ai thèm để ý đến logo của Xiaomi đâu.
Nói cách khác, giá trị thực sự của logo mới nằm ở chỗ nó… không mới. Vì không mới, vì giống cũ đến đáng ngạc nhiên nên logo ấy mới tạo ra được cơn sốt truyền thông suốt mấy ngày qua. Người ta nói về cái giá 7 tỷ VND một cách say sưa mà không nhận ra rằng thứ Xiaomi thực sự cần không phải là logo mới, mà là cơn sốt truyền thông "đính kèm". Khắp nơi, ai ai cũng nói về Xiaomi.
7 tỷ để tên gọi Xiaomi lan tỏa đến những người có lẽ vốn không quan tâm quá nhiều tới Xiaomi.
Với Xiaomi, 7 tỷ VND (hay chính xác là 2 triệu Nhân Dân Tệ) vì thế là một cái giá quá rẻ. Khoản tiền ấy chỉ vừa bằng 0.0625% lợi nhuận của Xiaomi trong quý 4/2020. Khoản tiền ấy cũng chỉ đủ Xiaomi thuê biển quảng cáo cỡ lớn ở khoảng 50 địa điểm "đắc địa" tại phương Tây. Thay vì nắm trong tay 50 địa điểm, Xiaomi đã khiến cả thế giới phải nhắc đến mình.
Thời khắc của Xiaomi
Hơn bao giờ hết, Xiaomi cần đi vào tâm trí người dùng. Đã gần một năm trôi qua kể từ khi tổng thống Trump áp đặt lệnh cấm mua chip lên Huawei. Thị phần của gã khổng lồ từng vượt mặt cả Samsung đang dần tiến dần về 0. Cùng lúc, nhu cầu mua smartphone trên khắp thế giới cũng không giảm sút đáng kể - ngay cả khi chịu tác động tiêu cực từ Covid-19.
Rõ ràng, Xiaomi là kẻ hưởng lợi lớn nhất khi Huawei biến mất . Nhưng với nhiều người, Xiaomi vẫn bị coi là thương hiệu "chiếu dưới", gắn liền với các sản phẩm giá rẻ kém cao cấp. Những chiếc Xiaomi lọt vào top bán chạy nhất thế giới thường chỉ có giá dưới 150 USD.
7 tỷ để những chiếc smartphone mới có thể "nương nhờ" một cơn bão truyền thông rộng khắp...
7 tỷ để cư dân mạng "nói hộ" Lei Jun rằng Xiaomi đang thay đổi.
Một chiếc logo thay đổi chút ít là cách tuyệt vời nhất để Xiaomi thay đổi hình ảnh này. Không mấy ngạc nhiên, logo mới cũng đi kèm với chiến dịch ra mắt các mẫu đầu bảng đắt tiền như Mi 11 Ultra và Mi Mix Fold.
Và không mấy ngạc nhiên, các bài báo (hay bài blog) nói về logo mới gần như luôn đi kèm với những bình luận của CEO Lei Jun: "Tinh thần nội bộ thay đổi", logo "hoàn mỹ", con người "hòa hợp với công nghệ", "một thương hiệu mang đến rất nhiều tiện nghi cho con người" v…v...
Như bạn có thể thấy, tất cả đều nhằm mục đích nâng tầm thương hiệu cho Xiaomi. Hình ảnh giá rẻ đang dần bị xóa bỏ. Một Xiaomi mới đang hiện ra trong mắt mọi người với tinh thần "cao cấp" thay thế cho quá khứ/hiện tại giá rẻ như bèo.
7 tỷ cho một chiếc logo gần như không thay đổi là đắt. Nhưng 7 tỷ để truyền đi một thông điệp vô cùng quan trọng ra khắp thế giới, chạm tay đến những kẻ vốn không hề quan tâm đến Xiaomi… Đó thực sự là một mức giá quá, quá rẻ.
Bài học từ Apple
Trước Xiaomi, một công ty khác đã biết cách bán hàng mà không cần phải tốn quá nhiều cho truyền thông.
Xiaomi không phải là kẻ đầu tiên có thể biến người dùng thành những quân cờ marketing "miễn phí" như thế này. Hãy nhìn vào Apple. Năm 2019, Apple vén màn chân đỡ màn hình giá 1000 USD. Sự kiện này ngay lập tức tạo ra một cơn sốt truyền thông vào sự kiêu ngạo đến ngớ ngẩn của nhà Táo.
Nhưng "Trên tất cả, hãy nhớ rằng những người điều hành Apple luôn biết suy nghĩ cực kỳ thấu đáo". Bộ sậu Tim Cook thừa hiểu rằng nếu bán màn hình đi kèm chân đế giá 6000 USD, chiếc màn hình Pro Display sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nhưng chỉ cần tách chân đế ra, Apple đã tạo ra một cơn sốt truyền thông khổng lồ.
Khi nói về chân đế 1000 USD, cư dân mạng khắp nơi cũng vô tình tạo ra một cơn sốt truyền thông thúc đẩy cho chiếc Pro Display giá 5000 USD. Đi kèm với sự ngớ ngẩn của chiếc chân đế đắt đỏ là những thông điệp tích cực về Pro Display mà cư dân mạng đã vô tình lan tỏa miễn phí. Các designer, các editor chuyên nghiệp - đối tượng thực sự của Apple - vì thế sẽ tìm được món hời Pro Display (và đơn giản là bỏ qua không mua chiếc chân đế nghìn đô).
Cuối cùng, Xiaomi cũng đã học được thứ quan trọng nhất từ Apple: khả năng "dẫn dắt" người dùng.
Đó không phải là lần đầu tiên Apple sử dụng cộng đồng mạng một cách khôn ngoan như thế này. Nói về quyết định bỏ cổng tai nghe, Apple thẳng thừng tuyên bố mình "dũng cảm". Kết quả: cư dân mạng càng tức giận bao nhiêu thì các fan Táo lại càng được nhắc nhở về AirPods bấy nhiêu.
Hay, bạn có nhớ về những chiếc bánh xe 9 triệu đồng của Mac Pro không? Chắc chắn sẽ chẳng mấy ai thèm mua mấy chiếc bánh xe này, nhưng một lần nữa, cơn bão truyền thông đi kèm đã khiến giới người dùng chuyên nghiệp - đối tượng mà Apple thực sự muốn nhắm tới - không thể nào quên được Mac Pro.
Trong nhiều năm, Xiaomi đã luôn coi Apple là "thầy" với biết bao sản phẩm "học hỏi" ở mức trắng trợn. Nhưng đến giờ, khi cần phải xóa bỏ cái mác giá rẻ, Xiaomi đã học được vũ khí quan trọng nhất của Apple: khả năng dẫn dắt cảm xúc (và lời nói) của người tiêu dùng một cách kỳ diệu. Một cuộc chơi mới sắp sửa mở ra trước mắt gã khổng lồ mới của Trung Quốc, và Apple "chính hiệu" có lẽ sẽ phải dè chừng. Giờ đây, "Apple của Trung Quốc" đã khôn ngoan hơn rất nhiều!