Bệnh nhi hiện đang được chăm sóc, theo dõi tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: T.L.
Ngày 1-12, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho hay, được sự hỗ trợ trực tuyến từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ê kíp lọc máu khoa hồi sức tích cực - chống độc đã điều trị thành công cứu bệnh nhi bị Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan ở trẻ em (MODS) nguy kịch.
Bệnh nhi T.N.H. (13 tuổi, ở TP Vị Thanh, Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng sốt, sốt cao liên tục, đã điều trị ở phòng khám tư và bệnh viện tại Hậu Giang nhưng vẫn không giảm sốt, mệt ngày càng tăng, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhi bị rối loạn tri giác, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo... Ê kíp cấp cứu cho thở oxy, chống sốc tích cực, kháng sinh, chống phù não và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.
Kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao, suy chức năng thận, chỉ số nhiễm trùng tăng cao... Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết/suy đa cơ quan.
Điều trị ban đầu bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, rối loạn tri giác không cải thiện, suy hô hấp, vàng da toàn thân, phù toàn thân, vô niệu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều; được chỉ định đặt nội khí quản thở máy, sử dụng kháng sinh cao cấp, truyền các chế phẩm máu.
Tuy nhiên, tình trạng vẫn tiếp tục diễn tiến xấu nên ê kíp điều trị quyết định hội chẩn toàn bệnh viện và hội chẩn trực tuyến từ tuyến trên và thực hiện lọc máu liên tục sáu chu kỳ kèm thay huyết tương một chu kỳ. Đồng thời phối hợp các phương án điều trị hồi sức tích cực khác.
Điều kỳ diệu đã đến sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, hiện tại chức năng gan thận của bệnh nhi dần hồi phục, được ngưng lọc máu. Hiện bệnh nhi đã cai được máy thở, các chỉ số dần trở lại bình thường và đang được các bác sĩ điều dưỡng hướng dẫn tập vật lý trị liệu, theo dõi thêm tại khu hồi sức tích cực.
Theo các bác sĩ, MODS được định nghĩa là sự hiện diện của hai hoặc nhiều rối loạn chức năng cơ quan đồng thời. Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến MODS, trong đó nhiễm trùng huyết là tình trạng liên quan phổ biến nhất, kế đến là chấn thương, bỏng, viêm tụy cấp hay rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, cấy ghép và các bệnh khác.
Hội chứng này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em, đặc biệt tình trạng nặng như bệnh nhi này.