Khoản vay 1,2 tỷ USD để phục vụ mở rộng nhà máy sẽ đẩy sản lượng tăng 30%, làm giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp nhà máy hoạt động hiệu quả hơn, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, chủ đầu tư dự án – trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Ông cho biết Bình Sơn đang xem xét lựa chọn công ty cố vấn cho khoản vay.
Sau khi hoàn thành vào năm 2021, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng của Việt Nam, tăng so với mức 1/3 hiện tại với công suất 148.000 thùng/ngày.
Bình Sơn dự kiến sẽ ký hợp đồng thi công mở rộng với công ty ngoại vào năm 2018. Danh tính nhà thầu tiềm năng không được tiết lộ.
Công ty sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu tới công chúng (IPO) của nhà máy lọc dầu Dung Quất sớm nhất là vào quý III năm sau. Hiện công ty đang tiến hành định giá.
Bình Sơn cũng đang thảo luận với công ty nước ngoài, trong đó có một doanh nghiệp Trung Đông và một số doanh nghiệp Đông Nam Á, để bán 35% cổ phần trước đợt IPO.
Thời điểm và số lượng cổ phần bán ra sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường trong năm sau, ông Giang nói.
Lọc dầu Dung Quất được xem là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam với giá trị 3 tỷ USD.
Trước đó, theo tin của Reuters, các công ty dầu khí đến từ Nga, Thái Lan và Kuwait muốn trở thành cổ đông chiến lược của Dung Quất. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ đông chiến lược vẫn chưa được quyết định do Dung Quất mong muốn tìm kiếm đối tác có thể đảm bảo nguồn cung dầu trong vòng từ 50 năm đến 100 năm.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Bình Sơn, nói nhà đầu tư chiến lược có thể mua 49% cổ phần của Bình Sơn, công ty thành viên của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Việt Nam với vốn đăng ký 35 nghìn tỷ đồng (1,57 tỷ USD).
Gazprom Neft của Nga mới đây đã quyết định không mua 49% cổ phần của nhà máy này.