Loạt thương vụ M&A triệu đô trong lĩnh vực địa ốc 9 tháng đầu năm

Hải Nam |

Ngay cả trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn diễn ra sôi động với thương vụ ghi nhận lên tới hàng trăm triệu USD.

Trong tham luận gửi đến hội thảo về bất động sản sức khoẻ, TS. Cấn Văn Lực đã dẫn chứng con số về thương vụ M&A trong lĩnh vực địa ốc.

Theo đó, nguồn vốn M&A từ đối tác nước ngoài: Hoạt động M& A trong lĩnh vực bất động sản diễn ra khá sôi động trong giai đoạn 2019-2022, ngay cả trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh 2020-2021).

Theo báo cáo của Cushman &Wakefield (tháng 6/2022), tổng giá trị các giao dịch M&A trong lĩnh vực BĐS đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD trong QI/2022, cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, trong đó BĐS văn phòng, công nghiệp và khu đất phát triển dự án lần lượt chiếm 39%, 35% và 26% tổng giá trị các thương vụ M&A.

Xu hướng M&A chuyển dần từ “mua đứt bán đoạn” sang hợp tác theo dự án, tạo giá trị cộng hưởng cho hai bên.

Sự quan tâm ngày càng lớn của các đối tác, doanh nghiệp bất động sản lớn nước ngoài, sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã và đang góp phần tạo nên sự sôi động của hoạt động M& A trong lĩnh vực BĐS, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng thị phần, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị BĐS, tuy nhiên, vướng mắc pháp lý và thủ tục đầu tư vẫn là rào cản lớn đối với hoạt động M& A trong kinh vực BĐS.

 Loạt thương vụ M&A triệu đô trong lĩnh vực địa ốc 9 tháng đầu năm  - Ảnh 1.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Tập đoàn Danh Khôi đã có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tokyu Corporation tại dự án nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu với giá trị hợp đồng lên tới 1000 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, thương vụ M&A của Công ty CP công nghiệp Logistics KTG & Bousteak và Bousteak Projects (Singapore) ghi nhận con số thoả thuận lên tới 6,9 triệu USD.

Cũng trong tháng 6/2022, Warburg Pincus (Hoa Kỳ) rót 250 triệu USD vào Khu nghỉ dưỡng Tropicana của Novaland.

Tháng 2/2022 Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập đã công bố việc mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở tỉnh Quảng Ninh, do DEEP C phát triển.

CapitaLand Development cũng thông báo việc ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics có tổng diện tích hơn 400 ha trên toàn tỉnh với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD (tương đương 22.700 tỷ đồng).

Không chỉ có các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và tập đoàn nước ngoài. Trong nước, các thương vụ M&A cũng diễn ra khá sôi động.

Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ĩnh vực bất động sản có khoảng 20 M&A giao dịch nổi bật, đáng chú ý là giao dịch Công ty CP DRH Holdings cho công ty con là Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn nhận chuyển nhượng lên đến 99% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Hòa Bình.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mua 57,82 triệu cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex.

Công ty CP Phát triển Sunshine Homes đã quyết định nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Sao Ánh Dương...

Novaland mua lại dự án Kenton Node và đổi tên thành dự án căn hộ cao cấp Grand Sentosa với hơn 1.640 căn hộ cao cấp tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Masterise Homes cũng thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An. Dự án này đổi tên thành The Global City, có quy mô rộng 117 ha, nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nhiễu động như hiện tại, các thương vụ M&A trong lĩnh vực địa ốc sẽ còn tiếp tục gia tăng. Những doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội thâu tóm dự án đang thiếu hụt nguồn vốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại