2020 thực sự là 1 năm rất đáng quên khi dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của người dân tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Covid-19 không phải là thảm họa duy nhất trong năm nay. Nó chỉ khiến cho công tác phòng chống thiên tai - vốn dĩ năm nào cũng xảy ra, trở nên khó khăn và phức tạp hơn bao giờ hết.
Nếu như tổng kết lại, chúng ta có lẽ chúng ta cũng không khỏi giật mình trước những gì mà Trái Đất phải hứng chịu trong suốt 12 tháng vừa qua, và chắc chắn chúng sẽ để lại những vết sẹo khó lành trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tới. Đối với bầu khí quyển, hậu quả có lẽ sẽ còn khủng khiếp hơn nữa, bởi lượng khí thải carbon dioxide từ những vụ cháy quy mô lớn, có thể sẽ tồn tại hàng thế kỷ nếu không được xử lý kịp thời.
Những thông tin trên báo đài, trên truyền thông về các thảm họa tự nhiên cũng đã đủ để chúng ta nhìn ra sự tồi tệ mà năm 2020 mang lại. Và sự tồi tệ ấy sẽ được cụ thể hóa hơn nữa với loạt ảnh chụp từ vệ tinh dưới đây: Nếu địa ngục thực sự tồn tại, thì có lẽ nó cũng không thể khủng khiếp như thế này được đâu!
Cháy rừng diện rộng ở Australia
Từ tháng 1 cho đến tháng 12, câu chuyện về thảm họa tự nhiên trong năm 2020 chỉ xoay quanh cụm từ “hỏa hoạn”. Chúng ta đón chào 1 năm mới, 1 thập kỷ mới với vụ cháy rừng quy mô lớn tại Australia. Hình ảnh vệ tinh trên đây cho thấy làn khói khổng lồ dày đặc bao phủ gần như toàn bộ lục địa và trải dài ra tận đại dương. Đã có những thời điểm, cả Nam Bán Cầu cũng đã chìm trong biển khói này.
Hậu quả mà đất nước của những chú chuột túi và những khu vực lân cận phải gánh chịu rất nặng nề: Đó là cái chết của hơn 3 tỷ loài động vật; một khu vực rộng lớn của bang Washington bị thiêu rụi; tuyết phủ khói tại New Zealand; Sydney trở thành nơi có chất lượng không khí độc hại nhất Trái Đất trong 1 thời gian dài; chi phí y tế lên đến 1,5 tỷ USD; và đặc biệt là riêng Australia đã thải vào khí quyển lượng khí thải ô nhiễm gấp đôi so với trung bình hàng năm.
Mặt khác, giới khoa học cũng đưa ra cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa dừng lại ở đó. Họ cho biết khí hậu trước đây của Australia đã biến mất hoàn toàn bởi lục địa này đang ngày càng ấm lên. Điều này khiến cho những vụ hỏa hoạn tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai, thậm chí là còn nghiêm trọng hơn nữa.
Siberia và cả Bắc Cực cũng trở thành mục tiêu của Hỏa thần
Không chỉ Nam Bán Cầu phải đối mặt với những vụ cháy kỳ lạ, mà nửa bán cầu còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ngay cả Bắc Cực lạnh giá cũng không thoát khỏi bàn tay hỏa thần.
Đông đi xuân đến, nhưng sau khi mùa đông qua thì Siberia và một số điểm phía trên Vòng Bắc Cực lại bước vào 1 mùa cháy rừng kỷ lục và kỳ lạ. Các báo cáo cho thấy vụ cháy này đã tạo ra lượng carbon dioxide cao chưa từng có và 1 lượng lớn khí methane rò rỉ. Điều đó khiến cho băng tại cực bắc của Trái Đất nhanh chóng tan ra và có thể để lại nhiều hậu quả về lâu về dài.
Tất nhiên, những thay đổi tại Bắc Cực ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự đủ lớn để tác động đến đời sống của những người đang sinh sống và làm việc tại đây. Tuy nhiên, một số báo cáo trong tháng 12 vừa qua đã sử dụng nhiều cụm từ khá tiêu cực để nói về khu vực này, ví dụ như “nóng dần lên, không còn lạnh như trước, không còn nhiều băng như trước và có nhiều sự thay đổi về mặt sinh học chưa từng có ở những thế hệ trước”.
Cháy lớn ở bờ Tây nước Mỹ
Thoạt nhìn qua, có lẽ đây chỉ là 1 bức ảnh chụp Trái Đất rất bình thường từ vệ tinh vũ trụ. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ hơn, bạn sẽ nhận ra ngay làn khói dày đặc từ trận hỏa hoạn kinh hoàng tại phía tây Hoa Kỳ, chủ yếu là California, diễn ra vào tháng 9 vừa qua.
Đám cháy này dữ dội đến mức nó tạo ra 1 hiện tượng thời tiết riêng mà chúng ta có thể quan sát được từ không gian, đồng thời xóa sổ luôn 1 phần lớn mạng lưới giám sát cháy rừng quan trọng trên mặt đất.
Bức tường lửa khổng lồ cũng nhấn chìm cả Washington, Oregon và Colorado. Riêng tại Oregon, cả 1 thị trấn đã bị xóa sổ khỏi bản đồ; Colorado thì ghi nhận 2 trong 3 đám cháy kỷ lục trong lịch sử. Với tình trạng khí hậu ngày càng trở nên nóng hơn thì những vụ cháy quy mô lớn như thế này đang xảy ra với tần suất nhiều hơn, đặt các nhà hoạch định chính sách phải có những phương án mới để bảo vệ rừng và thế giới tự nhiên ngay trong những năm sắp tới.
Bão chồng bão
Mùa bão Đại Tây Dương năm nay đã thiết lập hàng loạt kỷ lục mới, với những cơn bão quen thuộc năm nào cũng đổ bộ vào Hoa Kỳ, cho đến cả những cơn bão với sức hủy diệt lớn chưa từng thấy mới xuất hiện vào tháng 11 vừa qua. Việt Nam, đặc biệt là miền trung, cũng phải trải qua giai đoạn chống bão hết sức khó khăn vào tháng 10 vừa qua khi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tục ập đến, trận này chưa qua, trận khác đã tới, dồn dập.
Bão "cày nát" 1 khu vực rộng lớn ở Trung Mỹ
Mặc dù ít nhận được sự chú ý của giới truyền thông, nhưng cơn bão Derecho thực sự phải khiến người ta run sợ khi cày nát vùng Trung Tây của Mỹ vào tháng 8 vừa qua, như ảnh vệ tinh mà bạn có thể quan sát trên đây. Với sức gió lên đến hơn 160 km/h, cơn bão này đã đâm thẳng xuyên thủng Corn Belt - nơi mà mới 1 năm trước phải trải qua trận lũ lụt lịch sử.
Thiệt hại mà Derecho gây ra rơi vào khoảng 10 tỷ USD, đẩy đời sống của những người nông dân tại đây rơi vào cảnh khốn cùng. Nhiều cánh đồng bị xóa sổ đồng nghĩa với việc họ không thể trồng trọt được gì nữa. Các kho ngũ cốc cũng bị xé nát một cách dễ dàng như chúng ta xé giấy vậy.
Tảng băng khổng lồ tách khỏi Nam Cực và trôi dạt về phương Bắc
Tảng băng A68a đã được các nhà khoa học theo dõi rất kỹ trong 3 năm qua kể từ khi nó tách khỏi thềm băng Larsen C, Nam Cực. Sau khi lượn lờ quanh ngôi nhà cũ của mình, nó bắt đầu hành trình trôi dạt khỏi cực nam của Trái Đất và đến vùng nước mở của Nam Đại Dương. Dòng hải lưu ở Nam Cực tiếp tục cuốn nó về phương bắc, hướng dần về 1 hòn đảo với rất nhiều sinh vật đang sinh sống.
Bão tuyết khổng lồ
Sau 1 mùa đông không thực sự giống mùa đông cho lắm vào năm 2019, miền Đông nước Mỹ cuối cùng cũng đã được tận hưởng cái lạnh từ trận bão tuyết dữ dội vào đầu tháng 12 vừa qua.
Lượng tuyết rơi ở một số khu vực như Pennsylvania, New York, Catskills, Vermont hay New Hampshire có độ dày lên đến 114cm. Thị trấn nhỏ Alba (Pennsylvania) đã xác lập kỷ lục lượng tuyết rơi liên tục trong 24 giờ với độ dày 110cm.
Theo Gizmodo