Hiện nay, vào những ngày Tết nói riêng hay dịp đầu năm mới nói chung, bên cạnh việc sum vầy bên gia đình, người thân, hay thực hiện các hoạt động mang đậm nét truyền thống lâu đời, nhiều người còn lựa chọn đi du lịch, hay còn được gọi là du xuân. Tùy vào nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh, mà thời gian được các gia đình lựa chọn để khởi hành cũng khác nhau. Thông thường sẽ khoảng sau 3 mồng Tết là mồng 1, mồng 2 và mồng 3. Nhưng cũng sẽ có những gia đình đi du xuân từ ngày mồng 2, thậm chí là mồng 1 Tết.
Những địa điểm được du khách yêu thích trong dịp này thường là những địa điểm giàu tính văn hóa, có lễ hội đặc sắc hay có cảnh quan đẹp để vãn cảnh. Nếu gia đình bạn cũng đang có ý định đi du lịch đầu năm, thì dưới đây là một số điểm đến nổi bật rất đáng tham khảo. Cứ mỗi dịp Tết hàng năm, những địa điểm này thường được gọi vui là đón "biển người" tới du xuân.
1. Chùa Hương
Đầu tiên là chùa Hương và Lễ hội Chùa Hương, thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đi từ trung tâm thủ đô, du khách sẽ cần di chuyển quãng đường khoảng 50km. Nơi đây là quần thể danh thắng bao gồm nhiều đền, chùa, đình thờ Phật và các hang động lớn. Ngoài lễ bái Thần, Phật, du khách sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành khi ngồi thuyền xuôi bờ sông Yên.
Chùa Hương cùng với Lễ hội Chùa Hương cũng là một trong những điểm đến du xuân, hành hương cho du khách vào dịp đầu năm mới. Theo thông tin mới nhất trên báo Hà Nội Mới, chỉ trong 3 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, đã có khoảng 20.000 du khách tới tham quan, vãn cảnh, đi lễ tại chùa. Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cũng cho thấy, khung cảnh bên trong các đền, chùa hay hang động nằm trong quần thể Chùa Hương luôn tấp nập dòng người qua lại.
Hình ảnh mới nhất được câp nhật tại chùa Hương vào mồng 4 Tết năm nay (Ảnh ST)
2. Bái Đính, Tràng An - Ninh Bình
Tương tự như chùa Hương, Khu di lịch sinh thái Tràng An cùng chùa Bái Đính, hay các địa điểm lân cận như Tam Cốc Bích Động, vườn chim Thung Nham, hang Múa, phố cổ Hoa Lư... cũng là điểm đến thu hút đông đảo du khách dịp Tết. Theo thông tin trên báo Quân đội Nhân dân điện tử, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, riêng trong ngày hôm qua (mồng 3 Tết Giáp Thìn), toàn tỉnh Ninh Bình đó khoảng 107.550 lượt khách. Dẫn đầu là Tràng An đón 21.500 lượt và chùa Bái Đính đón 21.000 lượt.
Là địa phương nằm ngay gần thủ đô Hà Nội, chỉ cách khoảng gần 2 giờ di chuyển, bởi vậy Ninh Bình nói chung hay quần thể Bái Đính, Tràng An nói riêng được nhiều du khách ở mọi lứa tuổi, lựa chọn là điểm đến du lịch vào các dịp lễ, Tết hay cuối tuần.
3. Yên Tử - Quảng Ninh
Địa điểm phù hợp cho việc du xuân thứ 3 cũng nằm ở miền Bắc nước ta, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đó là Khu di tích và lịch sử Yên Tử. Bên cạnh tham quan, vãn cảnh quần thể các đền chùa tại đây, hoạt động được nhiều du khách yêu thích hơn cả đó là chinh phục đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử - nơi có ngôi chùa Đồng linh thiêng.
Chùa Đồng được xem là đích đến "cao nhất" cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đối với mọi du khách, tăng ni Phật tử khi đến với khu danh thắng Yên Tử. Chùa nằm trên ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa có tên gọi khác là Thiên Trúc Tự, cũng chính là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm hoàn toàn bằng đồng lớn nhất châu Á.
Kết cấu chính của chùa bao gồm duy nhất 1 gian, du khách không thể vào trong mà chỉ có thể lễ từ phía ngoài vào. Song bởi tính đặc biệt về kiến trúc hay bề dày trong lịch sử, văn hóa tâm linh, chùa Đông vẫn thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến chiêm bái, đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới.
Hình ảnh mới nhất cũng được cập nhật trong hôm nay tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử (Ảnh ST)
4. Đền Trần - Nam Định
Khu di tích Đền Trần, thuộc thành phố Nam Định cũng là điểm đến du xuân được quan tâm. Bởi lẽ, tại đây, từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ hội lớn nhất năm - Lễ khai ấn đền Trần. Được biết, ý nghĩa của lễ khai ấn là để tưởng nhớ công đức của các vị vua nhà Trần. Thông qua đó, giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước.
Lễ khai ấn sẽ được bắt đầu bằng lễ rước ấn từ các chùa lân cận cho đến đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cổ Trạch thờ Trần Hưng Đạo. Sau đó, lễ dâng hương sẽ được diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia của các vị lãnh đạo, chính quyền địa phương. Trong chuỗi ngày diễn ra lễ hội, tại khu vực đền Trần, nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa, truyền thống sẽ được tổ chức như đấu vật, mùa rồng, múa sư tử, các trò chơi dân gian,... và đặc biệt là phần biểu diễn múa Bông một điệu - một điệu múa xưa mừng chiến thắng của quân dân thời Trần.
5. Điện Kiến Trung - Huế
Đi dọc từ miền Bắc vào miền Trung, du khách có thể dừng chân tại cố đô Huế và du xuân tại đây. Đặc biệt vào dịp Tết năm nay, một địa điểm nằm bên trong kinh thành Huế, đã hoàn thành việc phục dựng và mở cửa đón du khách sau khi bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947. Đó là điện Kiến Trung.
Điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây dựng vào giai đoạn năm 1921 - 1923. Công trình mang kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp của phong cách Pháp, Ý và cổ truyền Việt Nam. Song đến năm 1947, do ảnh hưởng của tình hình chiến tranh, điện bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quyết định khởi động dự án phục dựng điện Kiến Trung. Tết Nguyên đán năm nay chính là dịp đầu tiên du khách có thể tới tham quan tại đây. Bên cạnh phần chính điện, sân khuôn viên hay các công trình nhỏ xung quanh điện cũng được tu bổ lại, nhiều vườn hoa cũng được trồng để phù hợp với không khí Tết đến xuân sang. Bên trong điện Kiến Trung trưng bày nhiều hiện vật thời vua Khải Định và vua Bảo Đại. Du khách tới đây có thể tận mắt chiêm ngưỡng, từ đó hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nước ta từ thời xa xưa.
Đông đảo du khách tới tham quan điện Kiến Trung vào dịp Tết Giáp Thìn (Ảnh @aicaphehong)
Chưa có con số chính thức về lượng khách ghé thăm điện Kiến Trung trong vài ngày qua, song những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội đã thể hiện sức hút lớn của địa điểm này khi chính thức đón khách sau gần 100 năm.
6. Núi Bà Đen - Tây Ninh
Tới miền Nam đất nước du xuân, chắc chắn du khách không nên bỏ lỡ cái tên Khu du lịch Núi Bà Đen, Tây Ninh. Thậm chí, đây còn được coi là một biểu tượng du lịch đích thực, đặc biệt vào dịp lễ quan trọng trong năm như Tết Nguyên đán.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, chỉ xét riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2023, tính từ ngày 28 Tết đến ngày mùng 10 Tết Quý Mão, Khu Di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng và du lịch núi Bà Đen đã thu hút trên 1 triệu lượt khách. Những yếu tố giúp núi Bà Đen trở thành điểm đến yêu thích của các du khách có thể kể tới như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bầu không khí trong lành, đậm nét lịch sử, văn hóa, tâm linh và cả những lễ hội đặc sắc.
2 lễ hội lớn và quan trọng nhất tại núi Bà Đen cũng được tổ chức vào chính dịp Tết. Đó là hội Xuân núi Bà - kéo dài suốt tháng Giêng và hội xuân Di Lặc - cũng tổ chức trong suốt tháng Giêng, kéo dài sang tháng 2 Âm lịch. Đến hẹn lại lên, hôm nay ngày mồng 4 Tết, hội Xuân núi Bà đã chính thức khai hội với những màn pháo hoa rực rỡ tại khu ga đi cáp trao núi Bà Đen cùng nhiều màn biểu diễn khác, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng với du khách.