Giấc mơ châu Á: TQ đối diện thất bại địa chính trị
Theo tờ Economic Times, Ấn Độ, Australia và Mỹ - 3 trong 4 thành viên của Bộ tứ kim cương (QUAD) đã thể hiện mong muốn đầu tư vào dự án Kênh đào Kra mà chính phủ Thái Lan đánh giá là phương án thay thế khả thi sau khi gác sang một bên đề xuất của Trung Quốc về một dự án tương tự.
Nghị sĩ Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) Songklod Thipparat – người chủ trì nhóm nghiên cứu tính khả thi của dự án này – xác nhận rằng Ấn Độ, Australia, Mỹ và tất nhiên cả Trung Quốc, đang sẵn lòng hỗ trợ Thái Lan.
Các thông tin trước đó cho biết, Trung Quốc đang đề xuất xây dựng một kênh đào lớn dài 120km cắt qua eo đất Kra ở Thái Lan. Điều đó có thể giúp Bắc Kinh giải quyết "Thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca".
Thái Lan và Trung Quốc được cho là đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra, nhưng chính quyền hai bên đều không xác nhận việc này - Ảnh: Maritime News
Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Thái Lan thông qua. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob, đề xuất nạo vét kênh đào qua eo đất Kra sẽ gây ra quá nhiều hủy hoại đối với môi trường. Thay vào đó, Thái Lan muốn xây dựng một tuyến đường bộ có thể nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Theo EurAsian Times, "sự phản kháng" của Thái Lan đối với Trung Quốc là một dấu hiệu thuận lợi cho Mỹ và Ấn Độ - những phía có thể chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh một cách hiệu quả.
"Việc gần như không còn đồng minh nào ở Biển Đông được xem là một thất bại địa chính trị khác đối với Trung Quốc" – EurAsian Times viết.
Trong khi đó, ba thành viên của "Bộ tứ kim cương" xem đây là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Dường như nhóm siêu cường này sẵn lòng đối đầu với Trung Quốc theo cách thức riêng.
Giấc mơ Trung Đông: Nhân tố bất ngờ "uy hiếp" Bắc Kinh
Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại ở một trong những khu vực giàu tài nguyên và biến động trên thế giới – Trung Đông. Ngoài Nga là đối thủ rõ ràng của Trung Quốc tại đây, còn bất ngờ xuất hiện một thế lực mới và vô cùng mạnh mẽ cũng đang tìm cách tái định hình Trung Đông, khiến Trung Quốc rất lo ngại.
"Chúng ta đang nói tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đang tìm cách đưa Pháp trở thành một Thế lực lớn ở Trung Đông" – Trang tin TFI viết.
Thời gian gần đây, Pháp đã cho thấy khả năng nắm bắt và làm chủ tình hình trong 4 cuộc tranh chấp nóng ở Trung Đông, gồm cuộc chiến tranh Libya do Ankara châm ngòi, khủng hoảng Lebanon, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Địa Trung Hải và chiến dịch ném bom của Thổ nhằm vào vùng Kurdistan tại Iraq.
Pháp được cho là đối thủ mới đang phá vỡ tham vọng của Trung Quốc ở Trung Đông. Ảnh: The Straits Times
Ông Macron hiện được cho là lãnh đạo phương Tây duy nhất công khai chống lại Ankara một cách mạnh mẽ trên mọi mặt trận. Điều đó đã gây ấn tượng cho các cường quốc vùng Vịnh như Saudi Arabia và UAE, khi họ cùng có một đối thủ chung. Nhờ thế, Pháp đang từng bước trở thành một đồng minh của các nước Ả Rập, cho phép họ tiếp cận Trung Đông với nhiều sự hậu thuẫn ngoại giao hơn.
Cuộc chơi quyền lực của Pháp đang đối nghịch với những tham vọng lớn của Trung Quốc ở Trung Đông. Cho rằng "miếng bánh" này có thể dễ dàng giành giật sau những khoảng trống mà quốc gia độc lập về năng lượng như Mỹ để lại nhưng Bắc Kinh không ngờ rằng, Pháp lại có nhiều lợi thế trong cuộc chơi và họ sẽ không để tuột mất một cách dễ dàng.
Theo TFI, bằng cách thức của riêng mình, Pháp đang chống lại những thế lực bất hảo và các lực lượng ủy nhiệm đang nhận được sự hậu thuẫn trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc như Hezbollah để rồi từ đó, Paris nhận được thiện cảm rộng rãi trong khu vực bằng chính những gì Trung Quốc đầu tư.
Pháp đã kết bạn được với nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Lebanon, Iraq, UAE, Saudi Arabia, Ai Cập, Hy Lạp và Síp. Trong khi đó, những quốc gia này dần nhận ra rằng Trung Quốc không phải bạn tốt, mà chỉ là một đối tác kinh doanh và là một nhân tố gây phức tạp thêm tình hình Trung Đông.
Có thể nói, Pháp đã can thiệp và đang phá vỡ một cách hiệu quả các tham vọng của Bắc Kinh ở Trung Đông.