Bên dưới là những bức ảnh lọt vào vòng chung kết hay chiến thắng cuộc thi ảnh thiên nhiên do BigPicture, thuộc Trung tâm nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học California, đứng ra tổ chức.
Các chuyên gia sau khi miệt mài thẩm định đã chọn ra những tấm hình xuất sắc nhất trong số hơn 6.500 tác phẩm gửi về từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả đều cho thấy cuộc sống hoang dã vô cùng đa dạng mà chúng ta ít khi nào nghe nói đến.
1. "Boneyard Waltz" (Điệu nhảy Waltz ở nghĩa trang) - Vòng chung kết hạng mục Động vật trên cạn. Tác giả: Daniel Dietrich
Gia đình 3 con gấu Bắc Cực đang kiếm ăn tại "nghĩa trang" - nơi lưu lại xác khổng lồ của một con cá voi chỉ còn trơ xương, dạt vào bờ biển của đảo Barter thuộc phía bắc Alaska.
Những vết máu trên mũi chứng tỏ lũ gấu vừa đánh chén no nê. Bọn gấu Bắc Cực thường đi săn một mình. Trong ảnh, chúng lại đi săn cùng nhau vì gấu con vẫn cần học hỏi kĩ năng từ mẹ, nhưng bọn chúng sẽ sớm tách nhau ra.
Dù vậy, cảnh tượng hoang sơ hùng vĩ này có nguy cơ biến mất mãi mãi. Người ta đã phát hiện ra hơn 1 tấn dầu thô trong khu vực. Biến đổi khí hậu cũng là mối đe dọa nghiêm trọng, khiến gấu Bắc Cực phải đi xa hơn để kiếm ăn.
Với 3 con gấu này, bọn chúng lại có một mối nguy khác khẩn cấp hơn. Con nhỏ nhất khi quay đầu lại đã phát hiện một con gấu đực to lớn cũng muốn chia phần ăn. Rất nhanh chóng, 3 mẹ con nhà gấu lao xuống vùng nước Beaufort buốt giá - dù đang nóng dần lên một cách đáng báo động.
2. Ảnh "Bohemian Skirt" (Chiếc váy Bohemian) - Vòng chung kết hạng mục Cuộc sống dưới nước. Tác giả: Jinggong Zhang
Vẻ ngoài lộng lẫy và mờ ảo chính là bí quyết sinh tồn của con "nữ quái" bạch tuộc chăn (palmate octopus). Ở loài này, con đực có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ có 15 mm. Trong khi đó, con cái có thể dài đến 2m.
Hai xúc tu dài nhất của con cái được bọc bởi lớp màng lả lướt như chiếc váy bohemian. Khi gặp kẻ thù, nó liền "quẩy" chiếc váy ấy để tỏ vẻ to lớn, nguy hiểm. Còn nếu kẻ thù quá ngoan cố, bạch tuộc cái còn có một chiêu khác là "đánh bài chuồn".
Nó sẽ tháo rời lớp màng của mình rồi ném về phía đối thủ như tấm áo choàng khiêu chiến của võ sĩ đấu bò. Nhưng có ai ngờ trong lúc nguy nan ấy, nàng bạch tuộc đã nhanh chóng... bơi đi mất.
3. "The Human Touch" (Chạm) - Chiến thắng hạng mục Con người và Thiên nhiên. Tác giả: James Gifford
Không quá lời khi nói anh André Bauma - người đứng đầu trung tâm chăm sóc khỉ đột mồ côi ở Vườn quốc gia Virunga (Congo) - đang phải liều mạng hàng ngày vì những "đứa con" của mình. Trong những thập kỉ gần đây, đã có hơn 170 nhân viên kiểm lâm thiệt mạng.
Và trung tâm động vật do anh André quản lí cũng nằm trong khu vực nổi dậy của nhóm phiến quân. Nhưng dù thế nào, André cũng không bỏ rơi những chú khỉ đột ở trung tâm. "Chúng tôi là gì với những con khỉ đột mồ côi mà mình chăm sóc ư? Là gia đình. Tụi nó đều biết rằng tôi là 'mẹ' của chúng".
4. "Traveling to the Edge" (Đi về phía đường biên) - Vòng chung kết hạng mục Động vật trên cạn. Tác giả: Buddy Eleazer
Trên sa mạc Namib-Naukluft của Namibia, một con linh dương gemsbok đang hộc tốc lao về phía đường biên - đó không đơn thuần là một vị trí địa lí mà còn ám chỉ sức chịu đựng của con vật. Từng bước chân của linh dương vô cùng mạnh mẽ, để lại những chiếc hố sâu trên cát mịn.
Cố gắng nhiều đến thế, để khi chạm vào vạch đích mong muốn, con linh dương sẽ đón trọn làn gió mát lành thổi vào từ Đại Tây Dương mang theo hơi ẩm. Chỉ cần hít lấy luồng không khí đó vào đường mũi vặn xoắn của mình, con vật sẽ giảm được áp lực máu lên não và nhờ vậy có thể tiếp tục sinh tồn giữa sa mạc nóng rẫy.
5. "Duality" (Nhị nguyên) - Chiến thắng hạng mục Phong cảnh và Hệ thực vật. Tác giả: Armand Sarlangue
Sau một thời gian dài "mai danh ẩn tích", Đảo Senja ở Na Uy đang nổi lên như một điểm hấp dẫn khách du lịch ở Na Uy. Và ngọn núi trong ảnh chính là nguyên nhân chủ yếu. Nó nhô lên đến 650 m bên trên mặt biển, chứng minh vẻ đẹp hoành tráng và trù phú của thiên nhiên Na Uy.
Bên này là sườn núi, nơi từng đàn tuần lộc sống nhởn nhơ yên bình. Còn phía bên kia hướng mặt xuống biển sâu, nơi thống trị của cá voi lưng gù, cá voi sát thủ và đại bàng biển. Chúng tranh nhau săn bắt những đàn cá trích di cư qua vịnh biển hẹp.
Dù vậy, một vấn đề đã nổi lên gần đây: người ta phát hiện và muốn khai thác nhiên liệu hóa thạch tại khu vực, đe dọa nơi trú ẩn yên bình của hệ động thực vật và các cư dân bản địa.
Nhưng tháng 4 vừa rồi, Đảng Lao động Na Uy (chiếm đa số ghế trong nghị viện) đã đưa ra quyết định bất ngờ: cấm vĩnh viễn mọi dự án khai phá ở Senja kèm với khu vực đất liền và vùng biển lân cận. Đây chính là động thái quan trọng để gìn giữ thiên nhiên tuyệt đẹp cho nhiều thế hệ sau.
6. "Taking Center Stage" (Chiếm lĩnh sân khấu) - Giải thưởng lớn. Tác giả: Audun Rikardsen
Nhiếp ảnh gia Audun Rikardsen đã đuổi theo một con đại vàng lên tuốt miền cao nguyên hẻo lánh của Na Uy. Tại một nhánh cây lớn, con đại bàng có thể quan sát toàn cảnh xuống khu vực sườn núi bên dưới.
Thế nhưng dù đã "mai phục" suốt nhiều ngày, nhiếp ảnh gia vẫn không thể chờ con đại bàng "tái xuất giang hồ". Thay vào đó là... một con gà thông đen (black grouse). Trong mùa sinh sản, con trống thường trưng ra bộ lông đuôi óng ả của nó để thu hút con mái. Rồi vô tình bắt gặp ống kính của nhiếp ảnh gia, con gà trống này không hề nao núng tý nào.
Ngược lại, nó đã chiếm lĩnh hoàn toàn vị trí sân khấu trung tâm để khoe hết vẻ đẹp rực rỡ của mình.
7. Sea Dragon (Rồng Biển) - Chiến thắng hạng mục Cuộc sống dưới nước. Tác giả: Pier Mané
Đáy biển không phải là môi trường sống lí tưởng cho các loài thằn lằn. Kỳ thực, chỉ có cự đà biển (marine iguana) ở Quần đảo Galápagos là mạo hiểm sinh tồn dưới những cơn sóng.
Đó cũng là cách thích nghi, tiến hóa với môi trường xung quanh. Bởi quần đảo Galápagos vốn tập hợp các đảo núi lửa nên việc tìm kiếm thức ăn trên cạn rất khó khăn. Từ đó, loài cự đà biển quyết định chỉ ở trên cạn để... tắm nắng, tập luyện "thể dục thể thao".
Mục đích là giúp cơ thể khỏe mạnh để thực hiện những cú lặn sâu tới 25 m chỉ trong một hơi thở. Tại đây, chúng có thể tìm thấy tảo bẹ có màu xanh lá hay màu đỏ nâu ngon lành - là món ăn đầy dinh dưỡng cho loài vật này.
8. Curiosity (Tò mò) - Chiến thắng hạng mục Động vật trên cạn. Tác giả: Mikhail Korostelev
Chụp lấy bàn tay gấu bắt cá hồi dưới mặt nước là một nhiệm vụ bất khả thi, hay nói nhẹ hơn là vô cùng nguy hiểm. Nhưng với lòng kiên nhẫn, sự khéo léo và trải nghiệm với... rất nhiều con gấu nâu, nhiếp ảnh gia về cuộc sống hoang dã Mikhail Korostelev đã làm được điều đó.
Sau khi nảy ra ý định chụp ảnh, Mikhail đã đến Khu Bảo tồn Nam Kamchatka - một khu vực biệt lập rộng đến 795 nghìn mẫu thuộc mũi bán đảo cực đông của Nga. Nơi này không chỉ là ngôi nhà tập trung nhiều gấu nâu nhất nước Nga, mà còn có những con sông dày đặc cá hồi di cư nhất thế giới.
Cuối cùng, ở một khúc của sông Ozemaya - điểm săn cá hồi yêu thích bậc nhất của bọn gấu, nhiếp ảnh gia đã đặt camera điều khiển từ xa bên dưới dòng nước.
Anh không phải chờ đợi lâu, một con gấu tò mò đã nhúng mũi của nó vào chuyện này. Nhưng trước khi con gấu kịp hiểu ra đó là một "cú lừa" (chứ chẳng có cá hồi nào cả), nhiếp ảnh gia đã nhanh tay ấn nút chụp để ghi lại bàn tay khổng lồ, cái mũi ướt mẹp và ánh mắt tò mò của chú gấu trong một bức ảnh đẹp nín thở!
* Cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh siêu ấn tượng khác:
Tác giả ảnh (từ trái qua): Chiara Salvadori (chiến thắng hạng mục Nghệ thuật Tự nhiên), Piotr Naskrecki (chiến thắng hạng mục Động vật có cánh), Julie Fletcher (chung kết hạng mục Động vật trên cạn) và Peter Mather (chiến thắng hạng mục Photo Story).
(Theo The Atlantic, BigPicture Competition)