Gần đây, hình ảnh một anh shipper tay cầm túi đồ giao cho khách, tay kia bế em bé bước đi trong cơn mưa đã khiến cho dân mạng Trung Quốc nghĩ ngợi, tò mò rất nhiều.
Sau đó, họ phát hiện ra các nhân vật ấy chính là hai bố con, mà câu chuyện đằng sau lại còn cảm động hơn nữa.
Anh Li Bangyong năm nay 39 tuổi, quê ở thị trấn Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam.
Năm 2012, anh đến thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang làm việc trong xưởng sản xuất, yêu một nữ đồng nghiệp Tứ Xuyên. Họ kết hôn rồi có con gái.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tay phải của Li bị thương nặng, gần như không bao giờ vẹn nguyên như trước. Riêng ngón giữa bị uốn cong, không thể duỗi thẳng. Còn vết sẹo trên ngón trỏ thì cộm lên rất rõ.
Li đã nhận bồi thường cho tai nạn lao động, nhưng anh không làm ở xưởng được nữa, chỉ có thể ở nhà cho vết thương chóng lành.
Năm 2017, vợ của Li rời nhà rồi không trở về. Từ đó anh và con gái nương tựa nhau mà sống ở nơi đất khách quê người.
Mùa xuân năm 2018, khi vết thương trên tay dần lành lại, nỗi đau trong lòng cũng nguôi ngoai, Li xin việc làm shipper giao đồ.
Còn bé gái do không có ai coi sóc, cũng được bố Li bế trên tay, trên vai, trên yên xe rong ruổi khắp nẻo đường của thành phố Gia Hưng.
Bé gái được bố mua cho 5 cái áo khoác dày, nhưng do ra phải ra đường hàng ngày, 3 chiếc áo đã sờn rách khá nhanh.
Em lại được bố thiết kế cho chỗ ngồi ngay phía trước xe với miếng lót dày để che nắng mùa hè, chắn gió mùa đông.
Li luôn bế con trên tay trái, tay phải yếu sức thì chỉ cầm các món đồ nhẹ. Dù vậy, đôi chân anh rất nhanh nhẹn, ít khi chậm trễ.
Chỉ có 1 lần nọ do quên đường, Li phải nhờ vị khách leo cầu thang xuống lấy đồ giúp mình. Anh cảm thấy rất có lỗi.
Dù ưu tiên giao hàng nhanh cho khách nhưng Li Bangyong luôn tuân thủ luật giao thông, anh không dám lấy sự an toàn của con gái ra mạo hiểm.
Mỗi ngày vào lúc 7h30 sáng, Li lại nổ máy xe và bận rộn đến 7h30 tối. Như vậy, con gái đã theo anh hơn chục tiếng/ngày suốt hơn 1 năm nay.
Vì mục đích mưu sinh, họ cũng không về quê đón Tết. "Thu nhập vẫn ổn, và con gái tôi đã có thể tự chăm sóc cho mình" - Li nói.
Mỗi lần con gái quấy khóc, Li sẽ mua cho bé 1 ổ bánh mì.
Do thiếu môi trường giao tiếp ngôn ngữ, con gái 3 tuổi của Li chỉ nói được 2 chữ là "bố" và "bế".
Anh kể lại một chuyện đau lòng, đó là khi phải chạy lên tòa nhà cao tầng, Li đã nhờ một người bán hàng trông chừng con gái giúp.
Khi quay xuống, người bán hàng cho biết, bé gái chỉ đứng nhìn qua lớp cửa kính trông ngóng bố, ai cho đồ ăn gì cũng không nhận lấy.
3 bữa 1 ngày, Li và con gái đều ăn hàng quán. Riêng buổi trưa luôn ăn trễ vào khoảng 15h. Đến tối muộn, người bố đơn thân lại đèo con gái về nhà trọ ở ngoại thành.
Mỗi lần tắm cho con đều khá vất vả, vì bé sẽ khóc vào những ngày lạnh giá. Nhưng đó là tất cả những gì Li có thể làm cho con.
Một bàn tay đã chịu khiếm khuyết, bàn tay còn lại của Li lại phải gánh vác trọng trách của người cha kiêm người mẹ...
Sau khi câu chuyện "gà trống nuôi con" của anh được chia sẻ, người dùng mạng Trung Quốc và cộng đồng xung quanh đã biết đến, muốn giúp đỡ cho anh nhiều hơn.
Chính quyền khu vực, hội phụ nữ và các trường cũng ngỏ ý giúp cho con gái anh tới trường, đồng thời giúp Li tìm kiếm một công việc đỡ vất vả hơn.
Một cô gái tốt bụng cho bố con Li mượn chiếc ô vào ngày mưa khi anh đang kiểm tra đơn hàng.