Loạn phí đổi tiền lẻ chợ đen

Lan Hương |

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nên thị trường đổi tiền lẻ ăn chênh lệch đang diễn ra nhộn nhịp, trên các website trên mạng, dịch vụ đổi tiền ăn chênh tới 15% được quảng cáo công khai. Câu chuyện ATM tắc nghẽn hiện vẫn là nỗi ám ảnh của không ít công nhân trước khi về quê ăn tết liệu năm nay có được thay đổi?

Dịch vụ đổi tiền lẻ, ăn chênh lệch vẫn “tung hoành”

Đã nhiều năm nay, NHNN thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực, đồng thời nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Theo thống kê của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỉ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỉ đồng.

Mặc dù việc cấm đã được hạn chế phần nào tình trạng công khai đổi tiền ăn chênh lệch, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, các đối tượng vẫn có nhiều cách để đối phó khi lực lượng chức năng đến kiểm tra.

Mặc dù không để biển “Đổi tiền lẻ công khai nhưng tình trạng đổi tiền lẻ vẫn ngầm diễn ra. Cụ thể, thay vì đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, người đổi tiền sẽ yêu cầu khách mua kèm thêm đồ lễ.

Nếu bị lực lượng chức năng bắt, người đổi tiền lý luận “Các anh chỉ cấm không được đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, chúng tôi không ăn chênh, khách có nhu cầu đổi tiền 1 triệu đồng tôi đưa đúng 1 triệu đồng tiền lẻ. Nhưng với điều kiện khách mua thêm đồ lễ”. Trên thực tế tiền bán đồ lễ chính là tiền ăn chênh lệch đổi tiền lẻ.

Không chỉ đổi tiền lẻ ngay trước cửa đền, chùa, hiện nay các dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng xuất hiện “nhan nhản” chỉ sau vài thao tác tìm kiếm trên Google.

Lần theo số điện thoại quảng cáo đổi tiền lẻ trên một website, trao đổi với PV Báo Lao Động, anh H (Hà Nội) cho biết, phí dịch vụ đổi tiền lẻ cho các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng là 15%.

Còn đổi với loại tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng trở lên là 8%. Tiền mới cứng còn nguyên seri của ngân hàng. Khách hàng đến nhận tiền trực tiếp tại địa điểm đã hẹn trước. Nếu khách đổi với số lượng nhiều hoặc lấy buôn thì sẽ có giá tốt hơn nữa.

Một website đổi tiền khác trên mạng quảng cáo giá đổi tiền lẻ nguyên seri, mới tinh với mệnh giá 1.000 đồng là 15%; 2.000 đồng và 5.000 đồng là 10%, mệnh giá 10.000 đồng là 9% và 20.000 đồng là 5%. Đổi càng nhiều thì phí đổi càng giảm.

Có cung ắt có cầu, chừng nào người dân vẫn còn tin vào việc rải thật nhiều tiền lẻ tại đền, chùa mới xin được lộc thì tình trạng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch sẽ còn tái diễn.

Cách đây vài năm, ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho - cho biết cứ sau dịp tết, ban quản lý còn phải nhờ nhân viên ngân hàng đem máy đếm tiền để hỗ trợ vì lượng tiền lẻ quá lớn. Nhưng sau vài năm thực hiện tuyên truyền, lượng tiền lẻ của khách thập phương đã giảm bớt.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thành Lập cho biết: “Thực hiện các văn bản của Thống đốc NHNN về việc đổi tiền lẻ, tại đền Bà Chúa Kho, chúng tôi quán triệt nghiêm cấm không được phép đổi tiền lẻ trong khuôn viên đền Bà Chúa kho”.

Bà Đào Thị Phượng - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh - nơi tập trung nhiều đền, chùa nổi tiếng ở khu vực miền Bắc, cho biết, chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện được vài năm qua.

Về mặt kinh tế vừa tiết kiệm nhiều tiền cho ngân sách nhà nước, vừa bổ sung thêm được nguồn kinh phí để đảm bảo chất lượng hoạt động ngân hàng. Về mặt xã hội, được sự đồng thuận cao của xã hội.

Loạn phí đổi tiền lẻ chợ đen - Ảnh 1.

Dịch vụ đổi tiền lẻ được rao tràn lan trên FB. Ảnh: A.C

ATM tắc nghẽn - bài ca đến hẹn lại lên?

Hình ảnh hàng dài người chờ đợi rút tiền trước ATM trong dịp tết những năm trước vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Đặc biệt, tại một số khu công nghiệp, nhiều DN lo sợ công nhân bỏ về quê sớm nên doanh nghiệp đợi sát tết mới trả lương, thưởng.

Khi ngân hàng đổ lương vào tài khoản là lúc công nhân ồ ạt ra rút tiền. Điều này gây áp lực lớn cho hệ thống ATM của ngân hàng trong thời điểm cuối năm.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Hà - công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) - cho biết, mỗi lần trả lương thì 4 máy ATM đặt trước cửa khu công nghiệp chạy hết công suất, lúc nào cũng phải xếp hàng đợi mấy tiếng để rút tiền.

Bà Đào Thị Phượng - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh - cho biết, NHNN tỉnh có phương án cụ thể đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho các TCTD, chủ động phương án đảm bảo tiền mặt tại các ATM.

Các NH chủ động theo dõi sát tồn quỹ tại các ATM. Khi thấy lượng tiền mặt còn hạn chế thì phải kịp thời tiếp quỹ. Khi số lượng khách rút tiền quá đông thì NH có phương án dãn ra để chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để tránh ách tắc.

Các NH cần dự trữ lượng tiền mặt nhất định để tiếp quỹ kịp thời. NHNN thường xuyên chỉ đạo và tăng cường kiểm tra.

Bà Lê Thị Hoàng Hà - Phó GĐ NHNN chi nhánh Bắc Giang - cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch chi tiền lương thưởng dàn trải cho công nhân để tránh áp lực lên máy ATM. Có kế hoạch dự phòng chi bằng tiền mặt nếu máy ATM gặp sự cố”.

Ông Nguyễn Trọng Chí - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Ninh - cho biết: “Agribank có kế hoạch trực 24/24 về kỹ thuật và đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi của khách hàng khi có sự cố xảy ra”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại