Loại vũ khí "ma ám" của Trung Quốc khiến Mỹ ớn lạnh

Tú Anh |

Mối lo ngại trực tiếp nhất đối với Mỹ và các đồng minh châu Á không phải vũ khí hạt nhân mà lại chính là kho tên lửa phi hạt nhân với tầm tấn công ngắn hơn của Trung Quốc.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh vào 1/10 tới đây, ngoài xe tăng, các khí tài chở quân và màn duyệt binh của các binh sĩ, Quân đội Trung Quốc dự kiến cũng sẽ giới thiệu một loạt tên lửa chiến lược, chiến thuật mà lực lượng này đang sở hữu.

Những vũ khí này được cho là một phần nguyên nhân khiến nước Mỹ bị ám ảnh và buộc phải triển khai thêm nhiều hỏa lực tới khu vực Đông Á để đối phó trong thời gian vừa qua.

Trên thực tế, Trung Quốc đã rót không ít tiền của, mà theo như đánh giá của cựu Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris, là để phát triển một lực lượng tên lửa lớn nhất, đa dạng nhất thế giới.

Nhân dịp Quốc khánh lần này, Dongfeng-41, tên lửa đạn đạo liên lục địa và cũng là một trong những vũ khí có tầm tấn công xa nhất thế giới lần đầu tiên sẽ được Trung Quốc công khai giới thiệu trước công chúng.

"Xét về mục đích chính trị thuần túy, các tên lửa dạng này là những vũ khí được mọi người bàn tán nhiều nhất bởi chúng là biểu tượng phô diễn sứ mạnh của Trung Quốc", hai chuyên gia Antoine Bondaz và Stéphane Delory của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris nhận xét.

Loại vũ khí ma ám của Trung Quốc khiến Mỹ ớn lạnh - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C trong dịp kỷ niệm 60 ngày Quốc khánh Trung Quốc Ảnh: AP

Tuy nhiên, mối lo ngại trực tiếp nhất đối với Mỹ và các đồng minh châu Á của Mỹ lại chính là kho tên lửa phi hạt nhân với tầm tấn công ngắn hơn của Quân đội Trung Quốc.

Hơn 15 năm qua, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi số bệ phóng và phát triển một loạt vũ khí để gia tăng tầm tấn công của các đầu đạn thông thường, đủ khả năng bao phủ hầu hết các căn cứ ở Tây Thái Bình Dương của Mỹ.

Những tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất như vậy là các vũ khí mà Mỹ đã bị cấm sở hữu theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký với Nga nhưng đây cũng chính là một trong số các lý do để không ít người trong giới hoạch định chính sách ở Washington ủng hộ Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này.

"Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mà Trung Quốc đã phát triển và sẽ được nước này giới thiệu vào ngày 1/10 là một bộ phận vô cùng quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh", Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy có trụ sở ở Sydney nhận xét.

"Chúng sẽ khiến cho việc tiến hành bất cứ chiến dịch quân sự nào ở khu vực Bắc Á sẽ đặc biệt trở nên khó khăn và tốn kém".

Loại vũ khí ma ám của Trung Quốc khiến Mỹ ớn lạnh - Ảnh 2.

Xe quân sự Trung Quốc chở theo máy bay không người lái trong buổi tổng duyệt chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh. Anh: AP

Theo một báo các gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney, giới chức Mỹ ước tính khoảng 95% kho vũ khí của Trung Quốc, nếu đem ra so sánh, se vi phạm Hiệp ước INF. Các tên lửa của PLA có thể cho phép Trung Quốc nhanh chóng sử dụng lực lượng hạn chế để giành chiến thắng quyết định trước khi Mỹ có thể đáp trả.

"Những vũ khí này có thể được cất giấu và cơ động di chuyển. Một đòn tấn công vào chúng sẽ được hiểu như một đòn tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc lục địa. Vì tất cả những lý do này, chúng trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của PLA", Bates Gill, giáo sư giảng dạy môn nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình dương tại Đại học Macquarie, Australia nói.

Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh lần này, các chuyên gia vũ khí nước ngoài sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về các vũ khí mà Trung Quốc vẫn thường giấu kín. Sự kiện cũng sẽ tiết lộ phần nào đó về chất lượng và số lượng tên lửa đạn đạo trong chương trình hiện đại hóa vũ trang của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo hai chuyên gia Bondaz và Delory "mặc dù một số tên lửa và hệ thống vũ khí chiến lược được Trung Quốc giới thiệu có thể đã được biết tới nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ có một số chưa bao giờ được tiết lộ hoặc chỉ là đồn đoán".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại