Mới đây, một cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra với người dân xung quanh con đường cao tốc thuộc Vịnh Depoe, Oregon (Mỹ). Khi đó, một chiếc xe tải chở 3,4 tấn lươn không may gặp tai nạn. Số lươn ấy đổ ra đường, gây ra tắc nghẽn trong nhiều giờ đồng hồ.
Vụ việc không gây ra thương vong. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì lạ nếu như những con lươn ấy không phải loài "lươn nhầy" - hagfish. Chúng gây nên một bãi chiến trường nhầy nhụa gớm ghiếc đến mức ai trông thấy cũng phải rùng mình ghê sợ.
Được biết, số lươn này đang trên đường vận chuyển xuất khẩu sang Hàn Quốc thì gặp phải tai nạn. Và sau khi những bức ảnh hiện trường được đăng lên, nó nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng, trong đó đa phần đều tự hỏi những con quái vật này thực chất là loài vật như thế nào?
Vậy nên, hãy thử tìm hiểu qua về loài lươn nhầy - một trong những sinh vật "già cỗi" nhất của Trái đất.
Lươn nhầy - loài vật tồn tại từ cách đây 300 triệu năm
Lươn nhầy (slime eel) - tiếng Anh gọi là hagfish. Nhưng dù được gọi là lươn, loài vật này thực chất thuộc lớp Cá không hàm. Chúng còn có tên khác là cá mù (hoặc cá mút đá).
Đây là "ẻm" trong tự nhiên
Đa phần các loài cá mù sống tại các vùng nước lạnh trên thế giới. Có tới 76 phân loài cá mù với kích thước khác nhau, và đây cũng là một trong những giống loài cổ xưa nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia cổ sinh vật học, lươn nhầy đã xuất hiện từ cách đây 300 triệu năm, có hình dáng gần như không khác biệt gì so với con cháu của chúng ngày nay.
Loài lươn này không có hộp sọ, cũng không có cột sống. Và giống như tên gọi của nó, cá mù đúng là... mù thật, chúng không nhìn rõ được mọi vật. Tuy nhiên, những đốm mắt được bao phủ trên da giúp chúng cảm nhận được ánh sáng.
Nhưng cái tên làm nên thương hiệu của loài vật này vẫn là "lươn nhờn". Chúng có cái tên như vậy là vì đặc điểm tiết ra chất nhầy khi gặp nguy hiểm. Chất nhầy này có vai trò bảo vệ cơ thể chúng, khiến kẻ thù không dám động vào, hoặc giả có dám thì cũng khó lòng nắm bắt được.
Tuy nhiên, điều bạn không ngờ đến ở đây là lượng chất nhầy nhiều khủng khiếp mà chúng có thể tiết ra. Tiến sĩ Andrew Thaler - một nhà nghiên cứu sinh vật vùng nước sâu cho biết, mỗi cá thể có thể "xả" tới 19 lít chất nhầy, và gần như là ngay lập tức.
Các tuyến tiết chất nhầy được xếp dọc theo 2 bên cơ thể. Với một lượng lớn chất nhầy, thậm chí một con lươn có thể làm tắc nghẽn mang, gây ngạt thở cho cả những con cá mập khổng lồ.
Một bể chứa lươn nhầy ở Hàn Quốc
Được biết, khoa học ngày nay đang tìm cách tận dụng lượng chất nhầy khổng lồ của loài lươn kỳ lạ này để tạo ra vật liệu sinh học. Ví dụ như Benthic Labs - một công ty startup của Mỹ đang muốn biến chất nhầy trở thành nguyên liệu cho rất nhiều vật dụng ngày nay - bao bì thực phẩm, dây thừng, băng gạc y tế...
Theo Benthic Labs, các sợi chất nhầy của lươn mỏng hơn 100 lần so với tóc người, nhưng lại mạnh hơn đến 10 lần so với sợi nylon.
Ngoài ra, dù sở hữu vẻ ngoài cùng đặc tính khá kinh dị, nhưng lươn nhầy rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Cũng phải thôi, vì sau khi chế biến trông chúng ngon mắt thế này cơ...
Nguồn: BBC, National Geographic, New York Times