Sò huyết ở Việt Nam
Theo trang bản tin thị trường Việt Nam ngày 7/5, nhiều năm qua, giá sò huyết luôn ở mức cao, từ 90.000-120.000đ/kg (loại 120 con/kg) và luôn giữ mức ổn định nên người nuôi có lợi nhuận cao. Nghề nuôi sò huyết tại Bến Tre chủ yếu tận dụng diện tích mặt nước vùng cửa sông, bãi bồi để gia tăng hiệu quả kinh tế.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, trong các loại sò, sò huyết chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất, với nguồn chất đạm phong phú, ít mỡ, nhiều khoáng, sò huyết là món hải sản ngon, được nhiều người ưa thích. Thịt sò và vỏ sò đều được y học cổ truyền dùng làm thuốc.
Theo Đông y, thịt sò huyết có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, tác dụng bổ huyết, kiện vị, chứng huyết hư, thiếu máu, kiết lỵ ra máu mũi, viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém. Nướng sò huyết trên than hồng, thấy vỏ sò bung ra, có nước béo màu đỏ thì lấy thịt sò ăn nóng với gia vị.
Hoặc lấy thịt sò phơi, sấy khô, tán nhỏ rây bột mịn rồi uống mỗi lần 2 - 4g, ngày 2 - 3 lần. Vỏ sò vị ngọt, mặn, tính hơi lạnh, trị viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém, đại tiện ra máu, cam răng.
Cách làm bột vỏ sò: vỏ sò đã lấy hết thịt, rửa sạch, đập vụn cho vào nồi đất trát kín, nung đến khi đỏ hồng. Lấy ra để nguội, tán nhỏ, rây bột mịn, hoặc nhúng ngay vỏ sò đang hồng vào giấm với tỷ lệ 1kg vỏ sò với 100ml giấm rồi mới tán bột mịn.
Người Trung Quốc ưa chuộng
Tờ Sohu của Trung Quốc từng có bài viết về sức hấp dẫn của sò huyết đối với người dân ở vịnh Tingzi ở đảo Jimo (Tức Mặc), thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ven biển miền Đông Trung Quốc như sau:
Từ 10 ngày đầu tiên của tháng 6 hàng năm, sò huyết bắt đầu xuất hiện ở bãi vịnh Tingzi. Trời vừa rạng sáng, bà con ngư dân đã mang đồ nghề ra biển bắt sò huyết. Loại sò huyết này có yêu cầu cực cao về môi trường sinh trưởng.
Sản lượng sò huyết ít, hương vị của sò cực thơm ngon. Khác với những loại sò thông thường, sau khi mở vỏ sò tươi, sẽ thấy bên trong dính một chút chất lỏng màu đỏ nên được gọi là sò huyết. Loài vật này có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Mất rất nhiều thời gian để thu hoạch được 5 cân sò huyết
Do phải đi thu hoạch sò khi nước triều rút nên ngư dân đã phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị và thời gian đánh bắt sò chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ.
Ảnh: Sohu
Sáng sớm, Yu Shenfang, một ngư dân sống ở làng Wanggezhuang, thị trấn Tianheng, quận Jimo và một số ngư dân khác đã đến bãi triều với đầy đủ dụng cụ.
Bà Yu và những người khác dừng lại trên bãi triều cách bờ biển khoảng hai dặm, một tay cầm giỏ, tay kia bắt đầu tìm kiếm qua lại trong bùn. Thường sau vài phút, bà mới bắt được 1 con sò. Cứ như vậy, hơn 1 giờ sau, sò huyết mới đầy rổ.
Yu Shenfang cho biết từ 6 đến 10 giờ sáng, họ liên tục tìm sò. Nếu nhanh chóng, họ có thể thu hoạch được từ 4-5 cân sò.
Đi nhặt sò huyết cần kinh nghiệm và cả kỹ năng
Bà Yu với hơn 20 năm kinh nghiệm bắt sò cho biết, không giống như các loại sò hay nghêu thông thường, sò huyết có ở các bãi bồi, khó đánh bắt. Chính vì vậy, nếu không có kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết thì không thể bắt được chúng.
Bà Yu cho biết, khi thủy triều rút, khu vực bờ biển của thị trấn Tianheng trở thành "cánh đồng hy vọng".
Một ngư dân khác cho biết, do sản lượng sò huyết ít nên giá tương đối cao. Nhưng họ chưa bao giờ phải lo tới việc bán bởi ngay sau khi mang sò lên bờ, một số người sẽ ngay lập tức tới lấy đi và chỉ còn một lượng sò huyết nhỏ được mang tới nhà hàng của ngư dân ngoài đảo.
Khó nuôi
Theo ngư dân địa phương, sò huyết cần được sống trong môi trường tự nhiên nên vị rất thơm ngon. Một ngư dân họ Wang cho biết: "Một số người đã cố gắng nuôi sò huyết nhưng không thành công."
Một số người đã mang về nuôi nhân giống nhưng do sò huyết ở đây có yêu cầu rất cao về môi trường sinh trưởng nên đã họ đã thất bại. Hiện nay, sản lượng loài này ở khu vực đang giảm dần và ngư dân địa phương đã phải rút ngắn thời gian đánh bắt để bảo vệ sò huyết.