Loại ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, khiến 2500 người tử vong/năm: Phòng ngừa thế nào?

Mộc Trà |

Ung thư cổ tử ung là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ tuổi sinh sản, chỉ sau ung ưng vú. Mỗi năm có khoảng 2500 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này ở nước ta.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Ở nước ta, mỗi năm có trên 5.100 phụ nữ mắc và khoảng 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ mắc mới của ung thư cổ tử cung tại Việt Nam năm 2010 là 13,6/100.000 phụ nữ; ở Hà Nội là 6,5/100.000, tại TP HCM là 26/100.000.

Tỷ lệ hiện mắc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (CIN2/CIN3) ở phụ nữ độ tuổi 30-54 là 4,8% (nghiên cứu 2013 trên 4.000 phụ nữ tại Hải Phòng và Cần Thơ). Nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Trong đó type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra trên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Nhưng chúng ta có thể dự phòng chủ động bằng cách tiêm vắc xin phòng HPV cho thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi được khuyến cáo, càng sớm càng tốt, tốt nhất trước khi trẻ có lần giao hợp đầu tiên.

"Đây là bệnh nguy hiểm, dự phòng bằng cách tiêm vắc xin HPV; hoặc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm tử vong và gánh nặng gia đình và xã hội. Tuy nhiên, vaccine HPV hiện nay giá thành còn cao, khoảng gần 2 triệu đồng/mũi tiêm, nên nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn để có chi phí này", ông Khoa cho hay.

Loại ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, khiến 2500 người tử vong/năm: Phòng ngừa thế nào? - Ảnh 1.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 sau ung thư vú ở phụ nữ. Ảnh minh họa.

Nhiều thách thức

Ngoài tiêm vắc xin phòng HPV, việc sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung cũng là cách dự phòng rất tốt.

Tuy nhiên, tỉ lệ sàng lọc đang còn thấp. Ông Khoa chỉ ra những tồn tại và thách thức khiến tỉ lệ sàng lọc thấp:

- Ung thư cổ tử cung mới chỉ được phát hiện qua sàng lọc thụ động (khi khám phụ khoa), chưa triển khai được chương trình sàng lọc chủ động. Tỷ lệ sàng lọc ở phụ nữ còn khá thấp (28%), nên khó đạt mục tiêu đặt ra trong kế hoạch hành động quốc gia là 60% vào năm 2025. Chính vì thế, nhiều người phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn.

- Hiện nay, chưa có hệ thống đăng ký, theo dõi dọc đối với những phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện tổn thương, chẩn đoán, xử trí.

- Năng lực sàng lọc của các tuyến còn hạn chế: Chỉ có 22% bệnh viện huyện có khả năng thực hiện xét nghiệm tế bào học cổ tử cung, còn lại chỉ lấy bệnh phẩm cổ tử cung gửi tuyến trên xét nghiệm. Chỉ khoảng 33% trạm y tế xã thực hiện được VIA và 21% lấy được bệnh phẩm.

- Kinh phí hạn chế và dịch COVID-19 trong 3 năm vừa qua đã cản trở việc triển khai khóa học đào tạo các kỹ thuật sàng lọc.

- Hiện tại, Luật Bảo hiểm y tế chưa cho thanh toán đối với các chi phí khám sàng lọc. Trong 3 phương pháp sàng lọc, chỉ có VIA rẻ tiền, hai phương pháp còn lại đều khá đắt tiền (nhất là HPV) so với tiền túi của người dân.

Để dự phòng ung thư cổ tử cung, theo ông Khoa, thời gian tới, Việt Nam cần:

- Mở rộng chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung ra toàn quốc (thí điểm và mở rộng dần).

- Tổng chi phí khám sàng lọc thấp hơn rất nhiều so với tổng chi phí cho điều trị ung thư; cần tích cực vận động để sáng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả; kỹ thuật VIA có thể đưa ngay vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, áp dụng tại các tuyến y tế cơ sở.

- Đối với các kỹ thuật sàng lọc đắt tiền hơn như xét nghiệm tế bào và HPV, tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ đồng chi trả BHYT; nghiên cứu chính sách ưu tiên đối với nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế.

- Xây dựng hệ thống đăng ký, theo dõi dọc về sàng lọc ung thư cổ tử cung và kết nối với hệ thống Đăng ký ung thư quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin HPV cho trẻ gái trong độ tuổi 9 - 26 tuổi. Một số nước trên thế giới đã có khuyến cáo tiêm cả cho trẻ trai độ tuổi này.

Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng chủ động nhằm phòng ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV. Việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại