Loại rau mọc dại ở Việt Nam nhưng được ví tốt như sâm, giúp tăng ham muốn, ngừa tiểu đường

Ngọc Minh |

Trước đây, loại rau này mọc dại ở nhiều nơi nhưng hiện nay, nó đã được trồng làm rau ăn và bán khắp chợ Việt.

Loại rau rẻ tiền nhưng nhiều dưỡng chất

Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay, rau ngót là loại rau bổ dưỡng. Rau ngót được phân bố nhiều ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia… Ở nước ta, rau ngót thường mọc hoang nhưng hiện nay đã được trồng ở nhiều nơi để làm rau ăn.

Một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rau ngót chỉ ra rằng: trong 100g rau ngót có 6,5g đạm; 0,08g chất béo; 9g đường; 503mg kali; 15,7mg sắt; 13,5mg mangan; 0,45mg đồng; 23.300UI betacaroten; 85mg vitamin C; 0,033mg vitamin B1; 0,88mg B2.

Ngoài ra, trong rau ngót còn chứa một số axit amin tốt cho sức khỏe như Lizin: 0,16mg; Triptophan: 1,8mg; Phenilalanin: 0,25mg; Treonin: 0,35mg; Metionin: 0,13mg; Leucin: 0,24mg; Isoleucin: 0,13mg; Valin: 0,17mg.

Loại rau mọc dại ở Việt Nam nhưng được ví tốt như sâm, giúp tăng ham muốn, ngừa tiểu đường- Ảnh 1.

Rau ngót hiện nay được trồng làm rau ăn. (Ảnh minh họa)

"Rau ngót chứa nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền vitamin A. Do giàu đạm thực vật nên rau ngót còn được ví là 'sâm của người nghèo'. Người già yếu, người cần bồi bổ sức khỏe cũng thường được khuyên nên ăn rau ngót", ông Sáng nói.

Ngoài ra, một số trường hợp mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa (mỡ máu) cũng được khuyên nên ăn rau ngót thay cho đạm động vật.

"Hợp chất phytochemical có trong rau ngót có tác dụng làm tăng ham muốn tình dục. Ngoài ra, sterol trong rau ngót có công dụng như một loại hormone giúp kích thích hưng phấn, cải thiện, nâng cao chất lượng và số lượng tinh trùng ở nam giới", ông Sáng bổ sung.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng rau ngót chứa lượng lớn insulin. Vì vậy, thường xuyên sử dụng rau ngót có thể giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường phát triển.

Bên cạnh đó, hoạt chất papaverin trong rau ngót có tác dụng chống co thắt cơ trơn, đồng thời giúp làm giãn mạch máu. Do đó, ăn rau ngót thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp ở những người mắc huyết áp cao.

Bài thuốc từ rau ngót

Theo ông Sáng, trong Đông y, rau ngót có tính mát, giải nhiệt, có tác dụng điều hòa nội tạng, bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa và bài tiết. Cụ thể, rau ngót có thể dùng để điều trị một số vấn đề sức khỏe như:

- Thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt: Dùng lá rau ngót tươi ép lấy nước hoặc nấu canh rau ngót.

- Trị cảm nhiệt gây ho suyễn: Ép nước rau ngót hoặc nấu canh.

- Trị táo bón: Dùng rau ngót nấu canh giúp nhuận tràng.

- Chữa ban sởi, ho, viêm phổi: Lấy một lượng rau ngót đủ dùng sắc thành nước uống.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, rau ngót được dùng làm thuốc thường là những cây đã trồng từ 2 năm trở lên.

Loại rau mọc dại ở Việt Nam nhưng được ví tốt như sâm, giúp tăng ham muốn, ngừa tiểu đường- Ảnh 2.

Rau ngót thường được dùng để nấu canh. (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi ăn rau ngót

Ông Sáng cho biết rau ngót là loại rau phổ biến trong những ngày hè, được ưa chuộng vì có tính thanh nhiệt. Tuy nhiên, một số trường hợp cần cân nhắc khi ăn rau ngót vì loại rau này có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Do rau ngót có tính mát, giải nhiệt nên người đang bị tiêu chảy nên hạn chế ăn rau ngót.

Rau ngót có tính kích thích thần kinh do vậy mọi người không nên ăn rau ngót vào buổi tối hoặc ăn sống (xay sinh tố). Người gặp tình trạng khó ngủ nên tránh ăn rau ngót.

Ông Sáng cho biết, rau ngót có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, phốt pho do có chứa glucocorticoid. Do đó, những trường hợp bị còi xương, thiếu canxi không nên ăn quá nhiều rau ngót.

Loại rau mọc dại ở Việt Nam nhưng được ví tốt như sâm, giúp tăng ham muốn, ngừa tiểu đường- Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại