Loài rắn độc nhất TQ: 1 miligam nọc là đủ giết người, hổ mang chúa cũng khiếp sợ nhưng tính tình lại rất tương phản

Nguyễn Hòe |

Bản tính của loài rắn này lại tương phản hoàn toàn với những miêu tả về độc tính của chúng.

Ảnh:CCTV; Credit: Tammy

Ảnh:CCTV; Credit: Tammy

Trong lục địa Trung Quốc có khoảng 50 loài rắn độc, phổ biến hơn cả là rắn gió núi, rắn lục lá tre, rắn năm bước, rắn hổ mang, rắn lục đuôi ngắn... Vậy chủng loài nào sẽ chiếm ngôi loài rắn độc nhất Trung Quốc?

Theo Sohu, loài rắn độc nhất được ghi nhận tại Trung Quốc chính là rắn san hô (tên khoa học: Bungarus multicinctus). Loài này có thể giết người với nọc độc dưới 1 miligam, ngay cả rắn hổ mang chúa khi đối đầu với chúng cũng phải "tắt điện".

Cơ thể bé nhỏ

Rắn san hô sống ở phía nam Trung Quốc, chúng chủ yếu sống gần mặt nước và ăn cá, ếch, rắn, chuột. Chiều dài cơ thể trung bình của rắn san hô trưởng thành từ 1m đến 1,8m.

Về ngoại hình, rắn san hô mang màu sắc đen trắng đơn giản, lưng có vảy hình lục giác, các vòng đen và trắng xen kẽ nhau trải dài khắp thân, phần đen dài hơn và nhiều hơn so với phần trắng. Không giống như những con rắn thông thường có đầu hình tam giác, đầu của rắn san hô có hình bầu dục và nhỏ.

Loài rắn độc nhất TQ: 1 miligam nọc là đủ giết người, hổ mang chúa cũng khiếp sợ nhưng tính tình lại rất tương phản - Ảnh 1.

Rắn san hô sở hữu ngoại hình dễ nhận dạng. Ảnh: Sohu

Rắn san hô tuy là loài rắn có nọc độc nhưng tính tình lại rất nhút nhát và thường hoạt động về đêm. Chúng sẽ bỏ chạy thật nhanh khi bị quấy rầy, hoặc giấu đầu xuống dưới thân nếu cảm thấy bị làm phiền. Trừ khi bị uy hiếp, rắn san hô sẽ không chủ động tấn công người.

Ngoài ra, hai chiếc răng nanh của rắn san hô tương đối nhỏ, những chiếc răng khác cũng không nhọn nên chúng không thể cắn xuyên qua da người quá sâu.

Do vậy, khi một người bị cắn, cơn đau sẽ tương đối nhẹ, thậm chí có người không cảm nhận được. Song nếu không được tiêm huyết thanh chống độc kịp thời, người bị cắn chắc chắn sẽ không thể cứu chữa. 

Nọc độc chết người

Để đo độc tính của nọc rắn, người ta dùng đến LD50 (liều gây chết 50%, một liều cần thiết để giết chết phân nửa số cá thể được dùng làm thí nghiệm trong một thời gian thí nghiệm cho trước) làm chỉ số tham chiếu để đo độc tính.

Theo số liệu thí nghiệm của nọc rắn san hô, LD50 của nọc rắn san hô đối với chuột là 0,09-0,108 mg/kg (tiêm dưới da), 0,113 mg/kg (tiêm tĩnh mạch) và 0,08 mg/kg (tiêm trong phúc mạc). LD50 của loài rắn gió núi có lượng nọc độc lớn nổi tiếng ở khoảng 0,35mg/kg, nhưng cũng chỉ tương đương với 1/4 lượng độc tính của rắn san hô.

Do đó, sau khi so sánh các giá trị LD50 của các loài rắn độc đã biết, người ta kết luận rằng rắn san hô là loài rắn độc nhất ở Trung Quốc cũng như ở châu Á, ngoài ra chúng xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng các chủng rắn độc trên thế giới.

Loài rắn độc nhất TQ: 1 miligam nọc là đủ giết người, hổ mang chúa cũng khiếp sợ nhưng tính tình lại rất tương phản - Ảnh 3.

Đây là loài rắn độc nhất ở Trung Quốc cũng như ở châu Á, ngoài ra chúng xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng các chủng rắn độc trên thế giới. Ảnh: Sohu

Trong giai đoạn đầu bị rắn san hô cắn, chất độc thần kinh α có trọng lượng phân tử nhỏ trước hết liên kết với các thụ thể acetylcholine tại các điểm nối thần kinh cơ, ngăn chặn sự dẫn truyền chất dẫn truyền thần kinh, khiến người bị thương có biểu hiện buồn ngủ, cơ thể cứng đờ, chảy dãi, co thắt các cơ và các phản ứng khác, khối thần kinh tại thời điểm này có thể đảo ngược.

Vài giờ sau, một lượng lớn β-neurotoxin tác động trực tiếp lên màng trước synap của dây thần kinh vận động, ngăn chặn sự giải phóng acetylcholin, khiến cơ xương mất chức năng co dãn và chuyển thành liệt liên tục, cuối cùng dẫn đến suy hô hấp. Quá trình này xảy ra rất nhanh và dữ dội.

Làm gì nếu bị rắn san hô cắn?

Đầu tiên, điều cần giải thích ở đây là việc hút nọc độc bằng miệng như trong phim truyền hình là hoàn toàn sai, khi ấy chất độc sẽ đi thẳng qua đường miệng và cướp đi sinh mạng của người hút. 

Vì vậy, cách đúng nhất là chụp ảnh con rắn đó hoặc mang xác rắn đến bệnh viện để nhận dạng, tiêm huyết thanh kháng nọc độc càng sớm càng tốt.

Loài rắn độc nhất TQ: 1 miligam nọc là đủ giết người, hổ mang chúa cũng khiếp sợ nhưng tính tình lại rất tương phản - Ảnh 5.

Tuy rắn san hô cắn không sâu như những loài khác, nhưng khi độc tính phát tác, bệnh nhân sẽ chịu cơn đau vô cùng dữ dội với cái chết luôn cận kề. Ảnh: Medihub

Nếu bạn bị rắn san hô cắn ở nơi hoang dã, không tìm được sự trợ giúp thì có thể dùng lửa thiêu vết thương. 

Về mặt lý thuyết, protein và enzyme peptide (thành phần chính trong nọc độc rắn san hô) sẽ bị vô hiệu hoá khi có axit, kiềm, chất điện phân và nhiệt độ cao. Nguyên nhân chính là do rắn san hô có răng nanh ngắn và lượng nọc độc phun ra ít, chỉ có thể cắn vào lớp nông của da.

Do đó, trong trường hợp khẩn cấp, hãy đốt vùng da vết thương thành mụn nước. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng thần kỳ đối với vết thương từ rắn san hô, không thích hợp với các loại rắn độc khác.

Trên thực tế, rắn độc không đáng sợ như chúng ta thường nghĩ. Ngoại trừ rắn hổ mang chúa, hầu hết các loài rắn độc đều sợ người. Vì vậy khi thấy rắn, hãy chủ động cách xa chúng ít nhất một sải chân, cũng đừng nuôi rắn một cách mù quáng nếu bạn không có kiến thức để tránh "rước họa vào thân".

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại