Mới đây các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được phần còn lại của hóa thạch một loài chim ăn thịt khổng lồ ở Argentina.
Đây là loài Teratorns, thuộc họ Teratornithidae, một nhóm gồm rất nhiều các loài chim ăn thịt lớn sống cách đây khoảng 25 triệu năm đến 12.000 năm.
Hóa thạch của chim Teratorns chỉ được tìm thấy ở Bắc và Nam Mỹ. Hóa thạch đầu tiên được phát hiện vào năm 1909 tại California (Mỹ).
Loài “quái điểu” này là một trong những loài chim bay lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất với sải cánh dài tới 7m và trọng lượng tới 70kg. Ước tính, chỉ có khoảng 2 loài khác đạt tới kích cỡ này.
Tiến sĩ Marcos Cenizo, một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng cho biết: “Teratorns được cho là có nguồn gốc từ Nam Mỹ vì vết tích cổ xưa nhất của chúng được tìm thấy trong các lớp trầm tích từ 25 đến 5 triệu năm tuổi ở Brazil và Argentina”.
Sau thời kỳ này, loài Teratorns biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch Nam Mỹ nhưng xuất hiện khá nhiều ở Bắc Mỹ cho đến khi tuyệt chủng vào khoảng 12.000 năm trước. “Sự biến mất của những con chim khổng lồ này trong suốt 5 triệu năm qua ở Nam Mỹ vẫn là một ẩn số cho đến tận bây giờ”, Tiến sĩ Marcos Cenizo nói.
Những mẫu vật đầu tiên được tìm thấy năm 1980 nhưng tới tận giờ mọi thứ mới hoàn thiện để được công bố rộng rãi. Các nhà khoa học hy vọng khi các mẫu vật được hoàn thiện có thể làm sáng tỏ nhiều hơn về loài chim quái vật này. Giả thiết ban đầu cho rằng Teratorns giống kền kền hiện đại khi là loài ăn xác thối hoặc ăn thịt một số loài bị thương khác dựa trên sự hiện diện của chiếc mỏ móc nhọn cũng như bề ngoài tương tự như chim kền kền về tỷ lệ chi.
Tuy nhiên, một vài đặc điểm ở chân và móng vuốt cho thấy chúng không giống với kền kền mà là một loài chim ăn thịt cơ hội như hạc hay bồ nông. Với kích thước khổng lồ, chúng có thể tấn công các loài lớn, thậm chí nuốt trọn vài con mồi.