Mọi bộ phận đều làm thuốc
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), mận được biết đến trái cây ăn quả ít người biết được đây còn là một vị thuốc chữa nhiều bệnh. Tại Trung Quốc mận được dùng nhiều trong bài thuốc chữa bệnh tác dụng bồi bổ cho cơ thể.
Quả mận có tên khác mắc mận. Không chỉ quả mận có tác dụng chữa bệnh mà tất cả các bộ phận như: hoa, lá, nhân (hạt), vỏ, rễ, nhựa đều là thuốc chữa bệnh.
- Nhân hạt mận có vị đắng, tính bình lợi tràng, tiêu thũng, hoạt huyết. Chủ trị chấn thương phần mềm hoặc làm thuốc ngâm rượu xoa bóp giảm đau.
- Rễ mận có tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt chủ trị khí hư bạch đới.
- Hoa mận thơm, vị đắng hoạt huyết, chủ trị tàn nhang nám má. Phụ nữ vùng cao thường dùng hoa mận đắp mặt giúp da trắng hồng.
- Lá mận có tính ngọt, vị chua tính bình,chủ trị phát ban, an thần. Trẻ sốt cao co giật dùng lá mận sắc nước uống rất hiệu quả.
- Nhựa mận có vị đắng, tính lạnh, chủ trị sưng đau.
- Vỏ cây mận: tác dụng sát trùng hoạt huyết chủ trị phiền khát, lỵ, bạch đới đau trong tim, đau răng (vỏ cây mận ngâm rượu ngậm).
Mận là thuốc quý chữa nhiều bệnh, ảnh minh hoạ.
Lương y Bùi Hồng Minh cho hay, mận là cây thuốc tự nhiên mọi bộ phận đều tốt. Trong đó, quả mận thường được biết đến nhiều hơn cả. Theo y học cổ truyền quả mận tên thuốc là lý tử có vị ngọt, chua, tính bình, quy vào hai kinh can, thận.
Ăn mận có tác dụng điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy. Dùng quả mận ăn trực tiếp hoặc ép nước uống chủ trị các chứng nóng trong xương, đái tháo đường, bệnh gan…
Còn theo Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội mận được biết đến là vị thuốc bổ cho xương, giảm đau xương khớp, bổ máu, hạ đường huyết...
Trong quả mận còn có nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, chống viêm... giúp tăng cường trí nhớ, thanh lọc máu. Ăn mận đúng cách ngừa táo bón, đào thải cholesterol xấu, bệnh tim mạch, ung thư.
Theo các nghiên cứu trong quả mận có nhiều chất polyphenol. Đây là loại chất chống oxy mạnh có tác dụng rất tốt cho cơ thể. Nhờ vậy ăn mận thường xuyên sẽ giảm bớt lượng cholesterol dư thừa trong máu. Trong mận còn kali giúp bảo vệ thành động mạch, góp phần ngăn ngừa biến chứng bệnh tim.
Lương y Bùi Hồng Minh cũng cho biết thêm, mận có tác dụng bổ huyết sinh tân dịch. Do vậy, ăn mận sẽ giúp tăng cường sắt cho cơ thể. Trong y học hiện đại còn tìm thấy trong mận có chất adiponectin, một loại hormone giúp điều tiết lượng đường trong máu.
Ăn mận như thế nào để tốt
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết mận là loại quả tốt cho sức khỏe có nhiều vitamin, khoáng chất, chất oxy hóa tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi ăn mận cần lưu ý hạn chế chấm muối hoặc dầm ớt để hạn chế ăn mặn, đưa lượng muốn vào cơ thể gây gánh nặng cho thận…
Còn theo Lương y Bùi Hồng Minh không nên ăn mận còn xanh sẽ chát. Người có bệnh lý đau dạ dày không nên ăn mận. Khi dùng hạt mận làm thuốc cần sử dụng đúng liều lượng để tránh quá liều gây gây rối loạn về hô hấp
Món ăn thức uống bài thuốc từ mận
- Lợi tràng tiêu thủy : hạt mận 12g sắc uống
- Khí hư bạch đới, đau răng: dễ mận 20-30g sắc uống và lấy nước đặc ngậm.
- Chữa tàn nhang lấy một nắm lá hoa mận, liều tùy dùng xoa trên mặt và chán.
- Trẻ em sốt cao co giật: lá mận 20-30g sắc uống.
- Chữa mắt có mộng, sưng đau dùng nhựa mận 2g sắc hạt muồng liều tùy dùng uống.
- Chữa phiền khát, bệnh lỵ, bạch đới mụn nở: vỏ mận 20-30g sắc uống, lấy nước rửa mụn nở.
- Chữa đái buốt, đái rắt do thấp nhiệt, các trường hợp đi lỵ ra máu, bệnh tiêu khát.
- Trẻ em sốt nóng, mụn nhọt dùng rễ mận (lý căn) 8-12g, sắc uống.
- Thanh nhiệt, giải trừ uất nhiệt, chữa tiêu khát, tâm phiền, các trường hợp khí hư, đau răng, lở loét, dùng vỏ rễ mận 8-12g, sắc uống.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 200 loài, phân bố ở vùng ấm Bắc bán cầu. Việt Nam có 9 loài, trong đó mận là loại cây trồng.
Ở Việt Nam, mận là cây ăn quả được trồng từ lâu đời tại các tỉnh miền núi phía bắc, sau đến các tỉnh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đặc điểm của cây mận là cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển tốt từ 15 – 22°C.
Cây ra hoa vào trước hay sau tết âm lịch. Hoa nở trước khi ra lá; thụ phấn nhờ côn trùng. Thời gian có quả trên cây kéo dài 4-6 tháng tùy theo từng loại mận.