Ớt chính là mặt hàng giúp Việt Nam thu được hàng triệu USD trong năm 2023. Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương với 10.173 tấn, tăng 107% so với năm 2022. Những con số tích cực này cũng góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị sớm hoàn thành được mục tiêu đạt khoảng 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 – 500.000 tấn, vào năm 2025.
Cụ thể, Trung Quốc và Lào chính là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ớt Việt Nam, với sản lượng lần lượt đạt hơn 8.600 tấn và 1.100 tấn, chiếm tới 85% và 10,9% thị phần.
Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để xuất khẩu ớt bền vững sang Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải tuân thủ điều kiện về mã vùng trồng và cơ sở đóng gói được nước này công nhận. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cần xử lý kiểm dịch thực vật ở những đơn vị đủ điều kiện thực hiện.
Theo VPSA, trong 2 năm trở lại đây, việc được xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc giúp kim ngạch của loại quả này của Việt Nam tăng vọt. Hơn nữa, giá ớt bán ra cũng được đánh giá là tốt hơn nhiều so với năm 2022, góp phần giúp người nông dân có lợi nhuận ổn định. Trên thực tế, với mỗi sào trồng ớt, người nông dân sẽ thu được trên 1 tấn quả mỗi năm. Như vậy, với mức giá bán hiện nay từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, nông dân sẽ có doanh thu từ 30 – 50 triệu đồng.
Giá ớt tại vườn hiện đang dao động ở mức từ 38.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại ớt tuyển chọn xuất khẩu có giá từ 62.000 – 65.000 đồng/kg, ớt loại hai là 58.000 – 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu từ Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ớt được nhiều nhất ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh, với tổng diện tích lên tới hơn 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm.
Trong khi đó, trên thế giới, Ấn Độ được coi là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, kế tiếp là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Không chỉ sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều ớt hàng đầu trên thế giới, chiếm khoảng 36% sản lượng toàn cầu.
Ăn ớt có lợi gì?
Theo Healthline, quả ớt giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Loại quả này còn chưa các chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Cụ thể, ớt có nhiều hợp chất flavonoid và capsaicin, với khả năng bảo vệ tế bào khỏi những gốc tự do gây bệnh ung thư. Các chuyên gia cho biết, nếu ăn ớt với lượng phù hợp thì có nhiều lợi ích cho sức khỏe và giúp phòng ngừa một số loại bệnh như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư máu…
Mặc dù có khả năng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh ung thư nhưng hợp chất capsaicin có tỏng quả ớt dễ dẫn tới kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ gây tổn thương đường tiêu hóa. Do đó, những người mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh trĩ cần hạn chế ăn ớt để tránh dẫn tới rủi ro như tim đập nhanh, máu tăng cao trong quá trình tuần hoàn…Hơn nữa, người đang điều trị mụn cũng không nên ăn ớt để tránh nổi mụn nhiều hơn.
Bài viết tham khảo nguồn: Mard, VPSA, Cục trồng trọt, Healthline