Loại quả làm tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ của 2 bệnh ung thư: VN có nhiều, dùng làm gia vị

BS. Nghiêm Xuân Hoàn (Nghiên cứu sinh tại Đức) |

Những bằng chứng khoa học gần đây cho thấy ớt có nhiều tác dụng tuyệt vời mà có thể nhiều người không biết, trong đó có tác dụng phòng chống ung thư và gia tăng tuổi thọ.

Ớt là một gia vị phổ biến trong chế độ ăn hàng ngày. Những bằng chứng khoa học gần đây cho thấy ớt còn có nhiều tác dụng tuyệt vời mà có thể nhiều người không biết, trong đó có tác dụng phòng chống ung thư và gia tăng tuổi thọ trung bình.

1. Thành phần tự nhiên trong ớt

Ớt có nhiều loại khác nhau về kích thước, màu sắc và mức độ cay. Nó có ở mọi nơi trên thế giới nhưng nhiều hơn ở các vùng khí hậu nhiệt đới. Thành phần tự nhiên của ớt có rất nhiều vi lượng quan trọng được liệt trong bảng dước đây (1).

Mặc dù ớt rất giàu vitamin và khoáng chất như vậy nhưng chúng chỉ được sử dụng với số lượng nhỏ trong chế độ ăn nên đóng góp không nhiều đối với việc bổ sung vi lượng. Một thành phần rất quan trọng quyết định vị cay của ớt đó là "Capsaicin".

Capsaicin có công thức hóa học là 8-methyl-N-vanillyl-6-nonenamide, không hòa tan trong nước nên trong trường hợp ăn cay quá mức, dùng nước chỉ giảm được độ cay phần nào, những thức ăn có sữa sẽ có tác dụng nhiều hơn.

Loại quả làm tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ của 2 bệnh ung thư: VN có nhiều, dùng làm gia vị - Ảnh 1.

2. Tác dụng thông thường của Capsaicin

Một trong những tác dụng được biết từ lâu của Capsaicin là diệt vi trùng, nên chất này thường được dùng để bảo quản thực phẩm, giữ cho thức ăn lâu bị hư hỏng (2).

Ngoài ra, Capsaicin được cho là giúp giảm đau bằng cách làm giảm tác dụng của hợp chất P tại các đầu mút thần kinh là chất vận chuyển thần kinh giúp truyền tín hiệu cơn đau về não. Vì thế có nhiều thuốc mỡ bôi giảm đau trên thị trường có chứa thành phần Capsaicin (3).

Loại quả làm tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ của 2 bệnh ung thư: VN có nhiều, dùng làm gia vị - Ảnh 2.

3. Tác dụng phòng ngừa ung thư

Nhiều bằng chứng thuyết phục từ những nghiên cứu dịch tễ học cũng như thực nghiệm chứng minh rằng chế độ ăn nhiều rau và hoa quả giúp phòng ngừa ung thư.

Capsaicin có trong ớt đã được chứng minh là có thể làm thay đổi mức độ biểu hiện của nhiều gen liên quan đến quá trình chết tế bào (apoptosis), tăng sinh mạch (angiogenesis) và di căn (metastasis) của tế bào ung thư.

Gần đây, nhiều nhóm nghiên cứu cho biết Capsaicin có vai trò quan trọng tác động đến nhiều con đường tín hiệu tế bào, quá trình ức chế khối u trong nhiều mô hình nghiên cứu thực nhiệm về ung thư trong đó nổi bật nhất là ung thư vú và ung thư đại tràng.

Capsaicin và ung thư vú

Đây có lẽ là một tin vui cho chị em phụ nữ, những người yêu thích ớt trong chế độ ăn hàng ngày. Theo đó một nghiên cứu gần đây được tiến hành ở Đại học Bochum, CHLB Đức cho biết, Capsaicin có thể gây ra sự chết tế bào ung thư và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú thông qua sự kích hoạt một protein xuyên màng có tên là TRPV1 (4) (Breast cancer – Target and Therapy. 12/2016).

Protein này có nhiều chức năng trong đó có chức năng vận chuyển các ion qua màng tế bào. Protein này biểu hiện cao ở các tế bào nhu mô vú.

Trong nghiên cứu này người ta thấy sau khi cho Capsaicin vào môi trường nuôi cấy, TRPV1 được kích hoạt dẫn đến ức chế sự phát triển các dòng tế bào ung thư. Số lượng lớn các tế bào ung thư ngừng phát triển và chết. Số còn lại thì không có khẳ năng di chuyển.

Kết quả này chứng minh Capsaicin có khẳ năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư vú và khả năng di căn của tế bào ung thư.

Capsaicin và ung thư đại trực tràng

Với cùng cơ chế tương tự, kết quả công bố của một nhóm nghiên cứu từ trường đại học Y California-San Diego đăng trên tạp chí Journal of Clinical Investigation cho thấy rằng Capsaicin có thể làm giảm nguy cơ phát sinh ung thư đại trực tràng (5).

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu bổ sung khẩu phần ăn có Capsaicin cho những con chuột bị biến đổi gien có nguy cơ phát sinh ung thư đường ruột. Kết quả cho thấy nhóm chuột có bổ sung Capsaicin có thời gian sống toàn bộ lâu hơn 30% so với nhóm chuột không được bổ sung.

Tiến sĩ Eyal Raz, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích của Capsaicin trong việc phòng ngừa phát sinh ung thư cũng như khẳ năng làm giảm sự phát triển khối u thông qua sự kích hoạt protein TRPV1.

TRPV1 đóng vai trò như một yếu tố ức chế khối u đường ruột.

Loại quả làm tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ của 2 bệnh ung thư: VN có nhiều, dùng làm gia vị - Ảnh 3.

3. Ăn ớt thường xuyên giảm nguy cơ tử vong

Nhận định này có vẻ như khôi hài nhưng lại là kết quả từ hai nghiên cứu trên đối tượng người tham gia rất lớn và được công bố gần đây trên tạp chí nổi tiếng BMJ và PlosOne (6,7).

Nghiên cứu đầu tiên đăng trên tạp chí PlosOne tiến hành trên 16.179 người tai Mỹ ở độ tuổi trên 18, với thời gian theo dõi dài trung bình 19 năm.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy nhóm những người thường xuyên ăn ớt có nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân thấp hơn 13% so với những người không có thói quen này.

Nghiên cứu thứ 2 đăng tải trên tạp chí BMJ tiến hành trên 487.375 người có độ tuổi từ 30-79 và được theo dõi trung bình 8 năm. Đối tượng tham gia nghiên cứu được chia thành 7 nhóm dựa trên số ngày sử dụng ớt trong tuần.

Kết quả của nghiên cứu này cũng cho kết quả tương đồng với nghiên cứu đề cập ở trên. Tỷ lệ tử vong thấp hơn 14% ở nhóm người có thói quen ăn ớt 3-7 ngày/tuần và thấp hơn 10% ở nhóm ăn ớt 2 ngày/tuần so với nhóm không thường xuyên ăn ớt (≤1 ngày/tuần).

Mặc dù việc sử dụng ớt thường xuyên trong chế độ ăn có mối liên quan đến giảm nguy cơ tử vong đã được chứng minh, trong khi đó cơ chế của mối liên quan này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng Capsaicin có trong thành phần tự nhiên của ớt có thể là yếu tố chính thông qua kích hoạt TRPV1.

Sự kích hoạt này dẫn đến thay đổi nhiều quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường (8) từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong.

Tóm lại với những bằng chứng về tác dụng của ớt trong phòng ngừa ung thư và giảm nguy cơ tử vong, chúng ta nên chú ý sử dụng ớt thường xuyên hơn trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Nguồn trích dẫn

1. https://authoritynutrition.com/foods/chili-peppers/

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Capsaicin

3. Anand P, Bley K. Topical capsaicin for pain management: therapeutic potential and mechanisms of action of the new high-concentration capsaicin 8% patch. Br J Anaesth. 2011

4. Lea V Weber. et al. Expression and functionality of TRPV1 in breast cancer cells.

5. Ion channel TRPV1-dependent activation of PTP1B suppresses EGFR-associated intestinal tumorigenesis. Journal of Clinical Investigation. 2014

6. Jun Lv. et al. Consumption of spicy foods and total and cause specific mortality: population based cohort study. BMJ. 2015

7. Mustafa C, Benjamin L. The Association of Hot Red Chili Pepper Consumption and Mortality: A Large Population-Based Cohort Study. PlosOne. 2017

8. Angela M. et al. Capsaicin From Plants to a Cancer-Suppressing Agent. Molecules. 2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại