Nội dung chính
- Việt Nam trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc.
- Tác dụng của chuối.
- Bài thuốc hay từ chuối.
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc. Lượng xuất khẩu đạt 459,94 nghìn tấn, trị giá 189,82 triệu USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, báo Nhân Dân đưa tin.
Cụ thể, thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 31,33% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 40,71% trong 8 tháng đầu năm 2024. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ các nguồn cung Philippines, Campuchia. Như vậy, ngành chuối Việt Nam đã thay thế vị trí nhà cung cấp số 1 của Philippines và đang chiếm lợi thế tại thị trường Trung Quốc.
Không chỉ là hoa quả ăn, chuối là vị thuốc quý, theo y học cổ truyền. Hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của chuối.
Tác dụng của chuối
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, cho biết chuối có tên khoa học là Musa sapientum L., tên khác là hương tiêu. Chuối là loại quả không mấy xa lạ với người Việt và được sử dụng phổ biến. Chuối chín dùng để ăn trực tiếp, chuối xanh dùng để chế biến món ăn, tạo ra những hương vị đặc trưng riêng.
Y học hiện đại đã phân tích chuối xanh già có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, chất xơ, canxi, photpho, sắt, kali, kẽm, vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin K, vitamin B6… Còn chuối chín có nhiều axit hữu cơ, glucid, xenluloza, protein, các vitamin và khoáng chất khác.
Theo bác sĩ Vũ, chuối tiêu có tác dụng dược lý tốt cho hệ thần kinh, thúc đẩy hệ tiêu hóa và giúp nhuận tràng, hạ huyết áp. Ăn chuối mỗi ngày giúp cho xương chắc khỏe, đẹp da. Chuối tiêu còn giúp cải thiện giấc ngủ.
Riêng với chuối xanh, theo các tài liệu nghiên cứu của Ấn Độ, chuối xanh sấy khô ở nhiệt độ thấp, tán bột ăn hằng ngày có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của màng nhầy lót bên trong dạ dày, điều trị bệnh lý dạ dày.
Dạng chiết bằng cồn methanol từ quả chuối tiêu có tác dụng ức chế nấm và vi khuẩn. Hoạt chất kháng nấm có khả năng là musarin, bác sĩ Vũ thông tin.
Bài thuốc từ chuối
Các bộ phận thường được dùng làm thuốc của cây chuối là quả chuối tiêu còn xanh hoặc đã chín, củ chuối, lá chuối, rễ chuối.
Theo bác sĩ Vũ, dưới đây là một số bài thuốc từ chuối:
- Quả chuối tiêu chín giúp nhuận tràng, phòng chống các bệnh tiêu chảy cấp và mạn tính, bệnh viêm ruột, táo bón, bệnh thiếu vitamin C.
- Vỏ quả chuối tiêu dùng để chữa lỵ, đau bụng, thổ tả (ngày 15-30g, sắc uống). Có thể dùng ngoài, sắc lấy nước rửa những chỗ mẩn ngứa, lở loét.
- Bột quả chuối tiêu xanh để phòng và chữa loét dạ dày.
- Vỏ quả chuối xanh có tác dụng làm se, diệt nấm.
- Nhựa của quả chuối xanh chữa hắc lào.
- Lá chuối tiêu non còn ở trong thân giả, giã nát, đắp là thuốc cầm máu vết thương, làm dịu vết bỏng.
- Củ và rễ chuối tiêu giã lấy nước cốt hoặc dịch thân cây uống để chữa sưng tấy, nhọt sưng đau, mê sảng, co giật, kiết lỵ, tiêu chảy.
Bác sĩ Vũ lưu ý tác dụng của chuối khi làm thuốc sẽ phụ thuộc vào từng cơ địa. Khi sử dụng chữa bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Người đái tháo đường nên thận trọng, không nên dùng nhiều.