Loại quả đặc sản của Hải Dương sẽ lần đầu tiên được xuất thẳng sang Trung Quốc bằng đường sắt

Duy Anh |

Ga Cao Xá đã trở thành nơi trung chuyển hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại, và là 1 mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Chính thức khai trương đoàn tàu chở hàng từ Hải Dương đi thẳng sang Trung Quốc

Hôm qua (2/5), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế.

Hiện nay, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đi qua tỉnh Hải Dương khoảng 46km, gồm 6 nhà ga (Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Phạm Xá và Phú Thái), trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương, chủ yếu chạy dọc song song với quốc lộ 5, đi qua các khu công nghiệp, dân cư đông đúc.

Tuy nhiên, thời gian qua đường sắt chưa phát huy hết lợi thế đối với vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh, khối lượng hàng hóa còn thấp, chủ yếu chỉ phục vụ vận chuyển hành khách đi lại giữa Hải Dương với Hà Nội, Hải Phòng và đi tàu hỏa đến các tỉnh phía Nam; trong khi hệ thống đường sắt Việt Nam được kết nối với đường sắt Trung Quốc và thông qua đường sắt Trung Quốc kết nối với các nước khác….

Từ thực tế trên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Hải Dương thống nhất chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh này. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tập trung nguồn lực chỉnh trang, nâng cấp các ga: Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu và vận chuyển hàng hóa.

Loại quả đặc sản của Hải Dương sẽ lần đầu tiên được xuất thẳng sang Trung Quốc bằng đường sắt- Ảnh 1.

Đoàn tàu đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá chuẩn bị khởi hành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là một “bước đệm" quan trọng để đưa ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế trong tương lai.

Sau Ga Kép (Bắc Giang), Cao Xá (Hải Dương) là ga thứ 2 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa.

Việc đầu tư, nâng cấp, phát triển ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế được thực hiện theo 2 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn 1 sẽ thực hiện sửa chữa, chỉnh trang lại cơ sở vật chất hiện có của ga bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Giai đoạn 2 đầu tư thêm đường xếp dỡ, đường đón gửi tàu, kho bãi hang và các cơ sở vật chất khác đảm bảo đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế đường sắt.

Sắp cắt băng xuất khẩu chuyến vải Thanh Hà đầu tiên tại ga Cao Xá

Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành 1 ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại; đồng thời trở thành 1 mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Trong giai đoạn 2, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo Ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

Sau khi hoàn thành, ga Cao Xá sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế gồm:

Tuyến 1: Cao Xá-Yên Viên (Hà Nội)-Kép (Bắc Giang)-Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.

Tuyến 2: Cao Xá-Lào Cai-Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.

Loại quả đặc sản của Hải Dương sẽ lần đầu tiên được xuất thẳng sang Trung Quốc bằng đường sắt- Ảnh 2.

Ngay sau lễ khai trương, đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, sau khi về đến Ga Yên Viên sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết: Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, hệ thống tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8%/năm.

Theo quy hoạch tỉnh, năm 2030 có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, xếp thứ 11 trong cả nước. Đồng thời cùng là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu trong cả nước với gần 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt do các ga trên địa bàn tỉnh chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container.

Hải Dương kỳ vọng sau khi khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa tham gia hành trình liên vận quốc tế, tới đây sẽ giúp lưu thông hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, việc đưa ga Cao Xá vào hành trình vận tải liên vận quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, đường sắt là phương thức vận tải an toàn, thuận tiện và có chi phí hợp lý.

"Việc mở ra thêm cửa khẩu vào sâu trong nội địa, và doanh nghiệp chỉ phải làm thủ tục hải quan tại ga liên vận quốc tế sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu, giảm chi phí logistics, góp phần tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết.

Dự kiến, ngày 20/5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá.

Ga Cao Xá nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, hiện có 3 đường sắt và một bãi hàng, làm nhiệm vụ nhường tránh tàu và xếp dỡ hàng hóa. Ga cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 5km, cách cảng thủy Tiên Kiều 2km, kết nối đường huyện 194B với các đường tỉnh, quốc lộ đi tới các địa phương trong và ngoài tỉnh, gần nhiều khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn.

Về vận tải bằng đường sắt, từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50 km, từ đây việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng sẽ rất thuận lợi.

VNR đề xuất đầu tư ga Cao Xá giai đoạn 1 khoảng 61 tỷ đồng (không bao gồm giải phóng mặt bằng) để đầu tư các hạng mục cải tạo mặt bãi hàng hiện tại, đảm bảo diện tích bãi hàng 10.000m2; xây dựng kho hàng (kho tạm); xây dựng hàng rào bảo vệ, hệ thống camera giám sát, hệ thống chữa cháy, chiếu sáng quang khu vực bãi hàng...

VNR đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá với tổng mức đầu tư dự kiến của giai đoạn này là 234 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại