Nói đến Bắc Giang là chúng ta nghĩ đến vải thiều. Đây là thủ phủ của vải thiều tại khu vực phía Bắc. Theo thông tin từ Sở Công Thương, đến nay tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ là 35.794 tấn, trong đó vải thiều sớm là 31.567 tấn, vải chính vụ là 4.227 tấn.
Vải thiều tiêu thụ trong nước là 14.809 tấn, vải được tiêu thụ ở các hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử và hệ thống bán buôn, bán lẻ khác. Niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022.
Đang vào chính vụ vải thiều nên lượng hàng đổ về các khu chợ, siêu thị với số lượng cực lớn. Điều này đã kiến cho giá của loại quả này lao dốc mạnh. Đi dọc các tuyến phố lớn tại Hà Nội, có thể thấy, vải thiều được bày bán la liệt trên các lề được, trên các hàng xe bán rong. Điều gây bất ngờ hơn cả, là loại quả này đang được rao bán với giá siêu rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg.
Để nâng cao giá trị của quả vải cũng như đem lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân, Bắc Giang đã phối hợp với nhiều đơn vị, xúc tiến thương mại đưa hàng đi xuất khẩu.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 10/6, trên địa bàn tỉnh, vải thiều xuất khẩu là 20.985 tấn, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 20.946 tấn, Nhật Bản 12 tấn, Mỹ 10 tấn, các nước EU 15 tấn.
Mới đây, một số siêu thị tại Mỹ đã lên kệ quả vải thiều tươi của Bắc Giang. Trước đây, vải thiều Việt Nam đến Mỹ theo diện hàng đông lạnh.
Những quả vải thiều tươi đầu tiên từ Bắc Giang được bày bán ở các siêu thị như Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau tại Houston, Texas. Giá bán lẻ cho khách hàng là 14 - 15 USD mỗi pound (khoảng 780.000 đồng mỗi kg), hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5 kg), tương đương 3,2 triệu đồng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, đây là số vải thuộc lô hàng 1,08 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được bán tại thị trường này. Sản phẩm được cung cấp bởi Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu tại Lục Ngạn và nhập khẩu bởi LNS International Corporation.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ, để nâng cao sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ, sản phẩm phải đặt chất lượng lên hàng đầu và phải đảm bảo nghiêm túc các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, xuất xứ, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập khẩu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến rộng rãi khách hàng Mỹ, đặc biệt là với khách hàng gốc Âu, vốn không biết nhiều về trái cây nhiệt đới.
Hình minh họa.
Cùng với vải thiều Bắc Giang, cách đây ít ngày, một doanh nghiệp tại Thanh Hóa cũng hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không.
Vải không hạt được công ty sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khi vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà.
Đây là giống vải nhập khẩu từ nước ngoài, được công ty trồng thử nghiệm tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc với diện tích 30ha. Để phục vụ cho xuất khẩu sang những thị trường khó tính này, công ty đã thực hiện các quy định theo mã số vùng trồng từ sản xuất đến sơ chế, phân loại, xử lý, xông hơi khử trùng, đóng gói, bảo quản khép kín và được kiểm định qua các khâu rất khắt khe.