Các loại nấm trong ẩm thực luôn là nguyên liệu mang đến nhiều bất ngờ, chúng không chỉ chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn chế biến được nhiều món ăn ngon. Chẳng hạn như nấm mỡ. Nấm mỡ còn được gọi là nấm trắng, đây là loại thực phẩm giàu dưỡng chất và hương vị thơm ngon. Chúng hiện có mặt ở hơn 70 quốc gia trên thế giới.
Bắt nguồn từ những đất nước có khí hậu ôn đới, nấm mỡ chứa nguồn dinh dưỡng đa dạng cần thiết cho sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy, trong 100g nấm mỡ có chứa cả vitamin (như B1, B2, C, D) và khoáng chất (như chất xơ, kali, kẽm) cùng các axit amin như methionine, citrulline,...
Đặc biệt, nấm mỡ được ưa thích dùng chế biến món ăn bởi chúng chứa cả protid và alanine. Hai thành phần này khá hiếm gặp trong rau củ hay các loại hoa quả và chúng có tác dụng duy trì độ pH lý tưởng cho cơ thể, đồng thời giúp phục hồi cơ bắp.
Nấm mỡ là nguyên liệu không thể thiếu được trong ẩm thực phương Tây và giờ đây chúng cũng thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của người Việt. Theo Y học cổ truyền, nấm mỡ có tính mát, vị ngọt thanh giúp bổ tỳ ích khí, nhuận phế hóa đàm. Nếu như bạn đang chán ăn, ăn không ngon miệng có thể dùng nấm mỡ vì chúng kích thích vị giác, bổ sung năng lượng cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh và đồng thời chúng cũng có tác dụng bổ máu.
Nấm mỡ có thể xào, nấu canh, làm pizza,... nhưng thử làm theo công thức này, nấm kết hợp cùng trứng, ăn vừa thơm ngon lại không hề ngán.
Hướng dẫn cách làm nấm mỡ hấp trứng
Nguyên liệu cần thiết làm nấm mỡ hấp trứng
250g nấm mỡ (hoặc khoảng 13 cây nấm mỡ, định lượng phụ thuộc vào khẩu phần ăn thực tế), 13 quả trứng cút, hành lá cắt nhỏ, 1/4 quả ớt chuông đỏ, thêm chút ớt sừng nếu muốn.
Cách thực hiện nấm mỡ hấp trứng
Bước 1: Nấm mỡ mua về bạn nên sơ chế sạch để món nấm được thơm ngon hơn. Dùng tay hoặc dao tách phần chân nấm và mũ nấm. Gọt bỏ vết bẩn ở chân nấm nếu có. Rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước sạch. Sau đó, để ráo. Phần chân nấm bạn có thể để dành cho vào sau hoặc mang làm món khác. Ớt chuông đỏ thái hạt lựu nhỏ, kích thước tương đương với hành xanh. Nếu bạn dùng thêm ớt sừng, cũng thái nhỏ.
Bước 2: Xếp ngửa các mũ nấm vào đĩa. Đập trứng cút cho vào lòng mũ nấm mỡ, làm tương tự cho đến hết.
Bước 3: Đun sôi nồi nước, sau đó cho đĩa nấm vào hấp khoảng 5 phút. Không nên hấp quá lâu sẽ khiến nấm bị dai và kiệt nước.
Bước 4: Trong một bát nhỏ, cho hành xanh, ớt thái hạt lựu, 1 thìa dầu nóng già, 1 thìa nước tương, 1/3 thìa dầu hào, khuấy đều tất cả.
Cho dầu nóng vào sẽ giúp hành xanh thơm hơn và chín tới ăn không bị hăng.
Bước 5: Sau cùng, rưới hỗn hợp này lên phần nấm hấp trứng.
Ngoài ra, nếu không thích rưới lên trên, bạn có thể để bên cạnh, khi ăn dùng nước sốt này để chấm là được.
Chúc bạn thực hiện món nấm mỡ hấp trứng thành công!
Món nấm mỡ hấp trứng có tác dụng gì cho sức khỏe?
Ngoài những tác dụng tuyệt vời của nấm mỡ, khi kết hợp với trứng cút sẽ tăng lượng dinh dưỡng mà bạn có thể hấp thụ. Kích thước trứng cút nhỏ, dễ ăn lại không ngán. Theo nghiên cứu, trứng cút cũng mang lại nhiều tác dụng tốt lành cho cơ thể. Chúng giúp cải thiện sức khỏe của mắt, bổ sung năng lượng, tăng cường khả năng miễn dịch đồng thời cũng giúp thải độc tốt.
Nguồn vitamin A dồi dào trong trứng cút có thể chăm sóc sức khỏe đôi mắt của bạn tốt hơn mỗi ngày. Chúng giúp giảm thoái hóa điểm vàng và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể.
Một tác dụng mà nhiều chị em ưa thích khi ăn trứng cút đó là chúng giàu chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Nhờ những chất này, làn da của bạn sẽ mịn màng và trắng sáng.
Có không ít người thắc mắc trứng cút sẽ thải độc cơ thể bằng cách nào, đáp án dễ hiểu nhất là chúng được coi là "chất tẩy rửa cơ thể". Theo một số nghiên cứu đã chỉ ra, các chất dinh dưỡng trong trứng cút có thể tác động tích cực đến việc hạn chế quá trình hình thành sỏi thận đồng thời làm giảm độc tố trong quá trình lưu thông máu.