Theo một nghiên cứu vừa công bố trên Current Biology, cách đây 201 triệu năm, tức khi kỷ Tam Điệp vừa kết thúc để nhường chỗ cho kỷ Jura, Trái Đất từng rơi vào thảm họa đại tuyệt chủng, quét sạch nhiều động vật có xương sống cỡ lớn. Nhưng dường như tất cả chỉ để dọn đường cho một giống "quái vật" non trẻ bước vào thời hoàng kim: Khủng long.
Khủng long đã
Nhóm khoa học gia từ Đại học Brimingham và Bristol (Anh), Đại học Friedrich-Alexander Erlangen-Nurnberg (Đức) và Đại học São Paulo (Brazil) đã dựng lại mô hình về các điều kiện khí hậu toàn cầu quanh "mốc tử thần" 201 triệu năm trước, bao gồm nhiệt độ, lượng mưa và dữ liệu các loài.
Một trong những cụm từ mà nhân loại ngày nay sợ hãi nhất và đang cố giải quyết bàng nỗ lực toàn cầu được xác định là nguyên nhân của đại tuyệt chủng Tam Điệp - Jura: Nóng lên toàn cầu.
Sự biến đổi khí hậu đã được chứng minh rõ ràng là gây hại cho nhiều loài thông qua việc thu hẹp môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguồn thực phẩm...
Nhiều loài động thực vật kỷ Tam Điệp đã phải hứng chịu điều đó và "đứt đoạn" khỏi cây tiến hóa. Nhưng khủng long đã phản ứng ngược.
Như các bằng chứng hóa thạch trước đây từng tiết lộ, các loài khủng long sơ khai nhất đã xuất hiện từ kỷ Tam Điệp. Khác với những gì chúng ta hay tưởng tượng, khủng long kỷ Tam Điệp đa số rất bé nhỏ.
Khi "tử thần" biến đổi khí hậu xuất hiện, chúng lại phản ứng để tồn tại theo cách rất riêng biệt: Tiến hóa thành những sinh vật khổng lồ và đa dạng hơn, khởi đầu bằng những con con sauropod (khủng long chân thằn lằn) đầu tiên, gồm nhiều loài to lớn, chân to vững chãi và ăn cỏ.
Nhóm khủng long này đã phát triển mạnh mẽ và dần phân bố khắp địa cầu trong kỷ Jura. Chúng là một nhóm khủng long ưa thích nhiệt độ, nhanh chóng lan tỏa đến các vùng đất ấm nóng mà Trái Đất vừa tạo ra.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang tiếp tục sử dụng kỹ thuật này để khai phá giai đoạn sau đó - 120 triệu năm sau "mốc tử thần" - để hiểu thêm cách mà những quái vật này đã tiến tới thời hoàng kim.