Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm 'chóng mặt', chỉ còn tối đa 5 con

Nguyệt Phạm |

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam này được các chuyên gia đánh giá là có giá trị bảo tồn rất cao.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Loài mèo hoang dã nắm giữ ngôi vị loài mèo lớn nhất thế giới chính là hổ. Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), hổ (Panthera tigris) là một loài động vật có vú thuộc họ Mèo được xếp vào một trong năm loài "mèo lớn" thuộc chi Panthera. Chúng cũng là loài động vật lớn thứ ba trong các loài thú ăn thịt (sau gấu Bắc Cực và gấu nâu). Một con hổ có thể dài tới 3m tương tự như sư tử, nhưng nó có thể nặng đến 300kg.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 1.

Hổ là loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới. (Ảnh: Pixabay)

Các chuyên gia đã liệt kê được 9 loài hổ, 3 trong số đó đã tuyệt chủng. Hiện tại, 6 loài hổ còn lại là hổ Sumatra, hổ Bengal, hổ Đông Dương, hổ Mã Lai, hổ Siberia, hổ Nam Trung Quốc. Những loài hổ còn lại đều thuộc loại nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ và đã được liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa vào danh sách đỏ.

Ít ai biết rằng, Việt Nam là nơi sinh sống của một trong 6 loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới – hổ Đông Dương.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 3.

Việt Nam là nơi sinh sống của một trong 6 loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới – hổ Đông Dương. (Ảnh: Pixabay)

Theo thông tin của Cục Kiểm lâm, Hổ Đông dương hay còn gọi hổ Corbett (Panthera tigris corbetti) phân bố ở các nước Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 trở về trước, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng từng xuất hiện hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, KBang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum). 

Tính đến năm 1998, số lượng hổ tự nhiên chỉ còn không quá 200 cá thể do khu vực sinh sống bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, tính đến năm 2008, thế giới chỉ còn khoảng 1.700 đến 2.000 cá thể hổ Đông Dương. Cùng thời điểm đó, ở Việt Nam có khoảng 150 cá thể. Do đó, hổ Đông Dương được Sách đỏ IUCN xếp vào loài rất nguy cấp.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 4.

Hổ Đông Dương được Sách đỏ IUCN xếp vào loài rất nguy cấp. (Ảnh: GIF)

Còn theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm (năm 2001) quần thể hổ Đông Dương ở Việt Nam có trên 100 cá thể. Chúng phân bố rải rác ở nhiều sinh cảnh bị chia cắt. Một số địa phương ở tỉnh Kon Tum, Sông Mã (Sơn La), Lạc Dương (Lâm Đồng), Quảng Nam, Lai Châu có số lượng trên 7 cá thể còn các nơi khác chỉ có 2 đến 5 cá thể.

Chỉ sau 10 năm, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng từ 24 - 47 con. Với quần thể quá nhỏ như vậy thì sự suy thoái về di truyền của hổ Đông Dương tại Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 6.

Diện tích mà hổ Đông Dương sinh sống đang bị thu hẹp với tốc độ choáng ngợp, chúng đã mất đi 93% sinh cảnh do sự phát triển không ngừng của con người. (Ảnh: Pixabay)

Đến năm 2016, IUCN ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ Đông Dương trên khắp đất Việt. Cũng theo IUCN, diện tích mà hổ sinh sống đang bị thu hẹp với tốc độ choáng ngợp, chúng đã mất đi 93% sinh cảnh do sự phát triển không ngừng của con người. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu bành trướng diện tích đất phục vụ nông nghiệp, các khu rừng bị khai thác triệt để nhằm thỏa mãn nhu cầu lương thực của con người.

Con số này của IUCN cũng không phải là con số được ghi nhận tại thời điểm đó mà nó chỉ là mang tính chất dự đoán, bởi vì từ năm 2009 thì IUCN cũng đã không ghi nhận bất cứ hình ảnh cá thể hổ nào trong tự nhiên ở Việt Nam. Hình ảnh cuối cùng ghi nhận về sự tồn tại của một con hổ hoang dã trong tự nhiên chính là bức ảnh do bẫy ảnh chụp được tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vào năm 1998.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 7.

Đến năm 2016, IUCN ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ Đông Dương trên khắp đất Việt. (Ảnh: Pixabay)

Vào tháng 6 năm 2022, cơ quan chức năng quản lý rừng Phong Nha – Kẻ Bàng nhận được trình báo có một con thú lớn, nghi là hổ xuất hiện ở khu vực này. Sau đó, họ đã tổ chức kiểm tra, đồng thời đặt bẫy ảnh để xác minh. Thời gian cho kết quả khoảng 2 tháng tính từ thời điểm đặt bẫy ảnh.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời gian đặt bẫy ảnh cũng như tìm kiếm, nhận định chung của lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là chưa thể kết luận sự xuất hiện của hổ tại khu vực rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Dù kể từ năm 1998 tới nay các chuyên gia trong nước và thế giới chưa nhìn thấy hoặc chụp thêm được bất kì hình ảnh nào của hổ Đông Dương ở ngoài tự nhiên ở Việt Nam nhưng thông tin kể trên đã khiến họ dấy lên hi vọng về sự "hồi sinh" của loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới này trên "dải đất chữ S".

Những biện pháp bảo vệ loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới

Hổ Đông Dương sống trong tự nhiên là một thành viên tạo nên tính đa dạng sinh học, chúng có vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái tại Việt Nam. Ngoài ra, hổ là loài động vật có vú có giá trị bảo tồn cao. Nhưng điều không may là số lượng của hổ Đông Dương ngày càng ít dần trong thiên nhiên.

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 9.

Hổ Đông Dương sống trong tự nhiên có vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái tại Việt Nam. (Ảnh: Pixabay)

Thông tin từ Dân trí, trong khi nhiều quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã, thì hoạt động nuôi hổ ở Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót. Hiện nay, số hổ Đông Dương còn lại của Việt Nam chỉ có thể tồn tại bảo tồn trong điều kiện nuôi nhốt tại các trung tâm cứu hộ, vườn thú hoặc Vườn quốc gia...

Theo báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ năm 1963, Nhà nước Việt Nam đã ban hành sắc lệnh bảo vệ hổ. Những năm gần đây, nhiều biện pháp cụ thể cũng được thực hiện: ban hành nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị… cấm săn bắt, buôn bán hổ và tiến hành xử lý nghiêm những kẻ vi phạm; lập hàng chục khu bảo vệ, rừng cấm; phối hợp với WWF khảo sát, tạo môi trường sống thuận lợi tại những nơi hổ thường xuất hiện như Mường Nhé, Vụ Quang, Cát Lộc, Nam Cát Tiên…

Loài mèo hoang dã lớn nhất thế giới ở Việt Nam: Suy giảm chóng mặt, chỉ còn tối đa 5 con - Ảnh 10.

Toàn thế giới đã có những chương trình bảo tồn hổ Đông Dương và các loài hổ khác. (Ảnh: Pixabay)

Trang web của Vườn Quốc gia Cát Tiên đăng tải, trước sự suy giảm nghiêm trọng số lượng hổ Đông Dương trong tự nhiên, toàn thế giới đã có những chương trình bảo tồn hổ Đông Dương và các loài hổ khác, đặc biệt ở các quốc gia nơi hổ phân bố.

Năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra tại Saint Petersburg, Liên bang Nga với sự tham dự của đại diện 13 quốc gia còn hổ hoang dã. Đây cũng là dịp Ngày Quốc tế Hổ được chính thức công nhận là sự kiện toàn cầu, vào ngày 29/7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về loài mèo lớn đẹp đẽ đang đứng bên bờ tuyệt chủng này. Kỳ vọng được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về hổ là sau 12 năm, tính đến 2022 số lượng hổ còn lại ở mỗi quốc gia sẽ tăng đạt gấp đôi thời điểm đó.

Theo ước tính của WWF, tính đến hết năm 2022, con số lý tưởng hơn 6.000 cá thể hổ trưởng thành trong môi trường tự nhiên tuy chưa thành công nhưng số lượng đã đạt khoảng 3.900 con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại