Nhiều người có lẽ chưa biết rằng, loại rau hay mọc hoang như rau má lại được mệnh danh rằng tốt ngang nhân sâm. Loại rau này có thể dùng để làm rau ăn sống, luộc chín, nấu canh hay nấu lấy nước đều rất tốt cho sức khỏe.
Trong Đông y, rau má cũng được coi là một vị thuốc. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, rau má vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu.
Có một lợi ích tuyệt vời hơn của rau má mà nhiều người bỏ qua, đó là khả năng chống lại tia cực tím. Theo tờ Indiatimes, rau má có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và căng thẳng từ môi trường. Cụ thể là: Chúng có thể giúp tăng hoạt động chống oxy hóa trên da, từ đó bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím và các tác nhân môi trường khác.
Ngoài ra, rau má còn có chứa hàm lượng lớn saponin với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chữa lành da. Nhờ đó có thể hỗ trợ tái tạo vùng da tổn thương do mụn, tránh tạo sẹo từ giai đoạn kết da non.
Theo nghiên cứu năm 2016, các chất chống oxy hóa tự nhiên, các hợp chất chống viêm và carbohydrate có thể làm cho loại rau này hiệu quả trong việc cải thiện độ ẩm cho da, mang lại tác dụng chống lão hóa.
Collagen cần thiết cho làn da của bạn để giữ được độ săn chắc và duy trì độ đàn hồi. Một cách hiệu quả để đạt được điều này là sử dụng rau má. Loại rau này có tác dụng hỗ trợ sản xuất collagen, ngăn ngừa nếp nhăn, đổi màu và các dấu hiệu lão hóa khác.
Những cách làm đẹp từ lá rau má
- Uống nước ép rau má: Sau khi rửa sạch rau má, bạn cho vào máy xay sinh tố kèm chút nước và xay nhuyễn hỗn hợp. Tiếp theo dùng rây lọc loại bỏ bã rau má.
- Đắp mặt nạ rau má: Rửa sạch rau má, cho vào máy xay nhuyễn cùng 1 ít nước. Thêm mật ong hoặc sữa chua vào hỗn hợp, trộn đều rồi đắp lên da mặt.
- Rửa mặt với nước rau má: Để chuẩn bị nước rau má rửa mặt, bạn cho rau má đã rửa sạch vào nồi nước và đun sôi. Sau đó, bạn để nước nguội và trữ vào chai để dùng dần. Mỗi buổi sáng, bạn chỉ cần lấy một lượng nước lá rau má vừa đủ để rửa và massage da mặt.
Lưu ý: Khi đắp mặt nạ rau má, nhớ luôn thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước các tác nhân gây thâm nám da, mụn như tia UV, khói bụi ô nhiễm.
Những món ăn, thức uống có tác dụng chữa bệnh từ rau má
1. Nước giải khát bổ dưỡng
Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.
2. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt
Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.
3. Chữa nóng ruột, đau bụng dưới, chán ăn
Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem đi sắc uống.
4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa
Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
5. Chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…
Cách làm: Lấy 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp đi sao cháy, sắc làm thuốc uống.
6. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt
Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.
7. Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh
Cách làm: Lấy rau má khô, tán bột, uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng.
Những lưu ý khi sử dụng rau má làm thức ăn và thuốc chữa bệnh
- Tránh lạm dụng rau má vì có thể gây ra những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tránh ăn rau má bởi các chất cho trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai cho chị em, vô cùng nguy hiểm.
- Người bị tiểu đường càng không nên ăn nhiều rau má.