Lá sen ảnh minh hoạ.
Cây sen là một loại cây rất gần gũi và thân thuộc với người dân Việt Nam. Gần như mọi bộ phận của cây sen đều được người dân sử dụng trong cuộc sống. Ví như, hoa sen thường được dùng cắm trang trí, ướp trà… Ngó sen (củ sen) được dùng nhiều trong chế biến món ăn rất thơm ngon và hấp dẫn. Lá sen thường được dùng để gói cốm, gói xôi… Ngoài tác dụng là lá gói đồ ăn thì lá sen còn được biết đến là vị thuốc quý "trời ban" cho con người với nhiều công dụng toàn năng.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, lá sen là vị thuốc quý "trời ban" xuống cũng không có gì sai. Vì từ xưa lá sen đã được dùng chữa nhiều chứng bệnh cho con người. Tuy nhiên, ngày nay khi thuốc tân dược (thuốc Tây) tiện dụng dễ mua, dễ sử dụng thì công dụng của lá sen cũng không được nhắc tới nhiều.
Trong y học cổ truyền lá sen còn có tên gọi khác Hà diệp có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, tán ứ, lợi thấp, cầm máu, lợi về các kinh can, tỳ, thận… Tác dụng trị các chứng tâm phiền mất ngủ, đau dạ dày do nhiệt, cố tinh ích nguyên khí, làm tan máu tụ và có tác dụng cầm máu.
Một trong những tác dụng rất tốt của lá sen được Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh đó là giảm mỡ máu, an thần. Y học hiện đại đã nghiên cứu nhận thấy lá sen có công dụng hỗ trợ trong điều trị rối loạn lipid máu, làm giảm tổn thương gan. Lá sen còn được biết đến là thuốc dự phòng các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, mỡ máu...
"Lá sen dùng khá lành tính và gần như ai cũng sử dụng được. Để sử dụng làm thuốc chữa bệnh nên chọn lá sen thu hái vào mùa hè dùng tươi hoặc phơi, sấy khô hay sao thơm, lá được dùng làm thuốc là loại còn nguyên lá to, màu lục, không có sâu. Liều dùng khoảng 20g/ngày sắc hoặc hãm lấy nước uống tác dụng giảm mỡ máu, thần thần ngủ ngon giấc, thời gian dùng khéo dài khoảng 3 tuần", Lương y Vũ Quốc Trung tư vấn.
Còn theo Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh, lá sen có vị đắng do hợp chất alkaloid tạo ra. Đây là dược chất có nhiều tác dụng như chống sốt rét, chống ung thư, loạn nhịp tim… Trong lá sen còn có nhiều flavonoid nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể và làm chậm đi quá trình oxy hóa, trẻ hóa tế bào ngăn ngừa tế bào lạ (tế bào ung thư) hình thành. Lá sen hương thơm có trong lá còn có tác dụng thư giãn, an thần.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ lá sen có thành phần Beta carotene là tiền chất của vitamin A, acid hữu cơ và các nguyên tố vi lượng.
"Theo kinh nghiệm dân gian thường dùng lá sen bánh tẻ, thái sợi phơi khô, dùng 30g/ngày hãm lấy nước uống giúp an thần chữa mất ngủ, điều hòa lipid máu.
Lá sen có thể dùng kết hợp với các vị thuốc khác như sơn tra làm tăng tác dụng giảm mỡ máu. Dùng lá sen làm thuốc giảm mỡ, bổ tỳ, tiêu ứ cụ thể như sau: Dùng lá sơn, sơn tra lượng tùy dùng hãm hoặc sắc lấy nước uống", Lương y Bùi Hồng Minh nói.
Người bị váng đầu, hoa mắt ù tai dùng lá sen đỗ trọng tươi mỗi loại 10g, hạch đào nhân 6g. Sắc uống chữa ù tai.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, lá sen hỗ trợ chữa tăng huyết áp. Người bị cao huyết áp mất ngủ dùng bài thuốc lá sen, bán hạ, thạch quyết minh, tuyền phúc hoa tất cả 10g, đẳng sâm 6g,thiên ma 6g, trần bì 6g uống ngày 1 thang chia hai lần sớm, tối uống trong 7 ngày.
Một số bài thuốc từ lá sen
Chữa di tinh: Lá sen nghiền bột mịn. Uống ngày 2 lần sớm, tối với nước sôi, mỗi lần 5g.
Dùng giải nhiệt, giảm khát, giảm mỡ: Lá sen 10g, gạo lức 60g. Dùng lá sen sắc lấy nước, cho gạo lức vào nấu cháo ăn 2 lần/ngày vào sáng và tối.
Chữa sốt xuất huyết: Lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày một thang.
Chữa đại tiện táo, tiểu dắt: Lá sen 15g, rễ cỏ tranh 10g, lá tre 10g, mộc thông 10g, đan bì 10g, thanh hao 6g, sơn chi 6g, liên kiều 5g, hoàng cầm 3g, hoàng liên 2g,. Sắc uống ngày 1 thang.
Giảm mỡ máu: Lá sen 15g, mạch nha 15g, vỏ quất (trần bì) 10g, sơn tra 10g. Dùng trong 7 ngày.