Loại hoa thần thánh ấy là hoa kim châm (hay còn gọi là hoa hiên), loại hoa này có màu vàng cam, hình phễu. Quả hình 3 cạnh, chứa nhiều hạt đen bóng. Cây mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nơi làm cây cảnh, hoa vừa dùng làm thuốc, vừa dùng làm rau ăn.
Được biết, loại hoa này chỉ nở duy nhất vào mùa hè, nếu không tranh thủ mua sẽ phải đợi cả năm mới có.
Hoa kim châm vô cùng đắt hàng vì một năm chỉ ra hoa một lần.
Theo anh Đức, một đầu mối bán hoa kim châm cho biết: "Để ra được 1kg hoa kim châm khô, người bán phải mất 7-8kg hoa tươi chính vì thế giá thành cũng cao gấp 5 lần so với hoa tươi. Cụ thể hoa tươi bán chỉ 100-200 ngàn đồng/kg thì hoa khô có giá dao động từ 400-500 ngàn đồng."
Anh Đức cũng cho biết thêm, mặt hàng này năm nào cũng đắt khách, vì số lượng không quá dồi dào nên anh nhập tới đâu là bán hết tới đó, chủ yếu bán được loại hoa khô vì hoa tươi nhanh bị hỏng, không để được lâu.
Hoa kim châm khô có giá nửa triệu/kg.
Theo tìm hiểu, hoa kim châm được giới "sành ăn" chế biến thành nhiều món ngon, phổ biến nhất là nấu canh, băm lẫn với thịt nạc hay hấp cách thủy cùng tim, cật lợn. Món ăn được chế biến từ hoa kim châm được đánh giá là ngon, ngọt rất lạ miệng.
Ngoài ra, loại hoa "sang chảnh" này còn được nhiều người mua vì những tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người cũng thú nhận rằng mình mua vì "lời đồn" chứ chưa biết thực hư tác dụng của loại hoa này là gì.
Theo nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), hoa hiên là cây thân cỏ sống lâu năm, có rễ củ tròn, xếp thành chùm. Lá nguyên hình dải hẹp, thường gập xuống ở phía ngọn.
Người ta trồng hoa hiên để lấy hoa. Hoa hái lúc chớm nở, phơi khô, tán bột để pha vào các nồi canh cá, canh cua. Hoa hiên tươi và lá tươi cũng dùng nấu canh ăn cho mát.
Cây hoa hiên.
Trong Đông y, bộ phận dùng làm thuốc của cây hoa hiên đó là hoa, lá và rễ. Hoa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng yên ngũ tạng, khoan khoái trong lòng. Rễ vị dịu mát, tính hơi độc, có tác dụng lợi niệu, giảm đau.
Một số cách trị bệnh bằng hoa hiên:
- Chữa đái buốt đái rắt: Rễ hoa hiên 15g, mã đề 12g, râu ngô 12g, sắc uống ngày một thang, chia làm 2 lần uống trong ngày uống liền 5-10 ngày.
- Chữa bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh: Hoa hiên 10g, lá dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.
- Chữa mất ngủ: Hoa hiên 12g, lá dâu tằm 20g, lá vông nem 10g. Nấu canh ăn hàng ngày. Hoặc đem hoa hiên phơi khô trong râm, sao qua lửa, hằng ngày hãm uống thay chè.
- Tắc tia sữa: Hoa hiên 12g, bồ công anh 40g. Sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng liền 7 tháng.
- Chữa kinh nguyệt không đều: Hoa hiên 15g, ích mẫu thảo 12g, ngải cứu 12g, rễ củ gai 20g. Sắc uống ngày một thang chia làm 2 lần uống trong ngày, uống liền 7 ngày.
- Chữa động thai, lậu thai: Ăn canh hoa hiên, kết hợp với uống nước sắc của 30g trữ ma căn.
- Trị chảy máu cam: Dùng lượng lá hoa hiên đủ dùng đem đi giã, vắt lấy nước uống, bã đắp ngoài.
- Trị viêm bàng quang: Dùng lượng rễ củ hoa hiên đủ dùng đem đi sắc nước uống.
- Trị viêm gan, vàng da do tích rượu: Dùng lượng rễ củ hoa hiên đủ dùng đem đi giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống.
- Trị đau răng: Lấy 30g rễ củ tươi sắc uống hoặc ngậm súc.
Chú ý: Không dùng hoa hiên để ăn sống vì dễ bị ngộ độc.