Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới

Hai Xia |

Loài hổ này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nội dung chính

  • Khu du lịch sinh thái Đồng Xoài chào đón 5 cá thể loài hổ quý hiếm
  • Loài hổ quý hiếm đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Loài hổ quý hiếm sinh con ở Đồng Nai

Theo báo Đồng Nai Online, thông tin từ Ban quản lý Khu du lịch (KDL) sinh thái Vườn Xoài, thành phố Biên Hòa, KDL vừa có 2 cá thể hổ Bengal đã sinh 5 hổ con.

Trong số 2 cá thể hổ Bengal mẹ, một cá thể đã sinh được 2 hổ con vào đầu tháng 8 và một cá thể mới sinh 3 hổ con cách đây vài ngày. Những hổ con vẫn đang được mẹ nuôi dưỡng và bảo vệ. Đến nay, tổng đàn hổ Bengal tại KDL Vườn Xoài được nâng lên thành 52 cá thể.

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 1.

2 cá thể loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài vừa sinh 5 hổ con. (Ảnh minh họa: Pháp luật Plus)

Theo đại diện KDL Vườn Xoài, nhân viên chăm sóc hổ sẽ theo dõi sát những ngày đầu hổ mới sinh. Trường hợp phát hiện hổ mẹ không muốn nuôi con sẽ tách hổ con ra khỏi mẹ. Hổ con sẽ được chuyên gia chăm sóc nuôi dưỡng bằng nguồn sữa và thức ăn dành riêng cho hổ.

Sau thời gian từ 3-5 tháng tuổi, bản năng thú ăn thịt của hổ con bắt đầu có dấu hiệu bộc phát, các chuyên gia sẽ tách hổ con ra khỏi người chăm sóc và được nuôi riêng tại khu dành cho hổ từ 5 tháng đến dưới 1 tuổi. Sau 1 tuổi, hổ bắt đầu được nuôi nhốt riêng, không tiếp xúc trực tiếp với con người cũng như các con vật khác.

Được biết, hổ Bengal là một trong sáu loài hổ có quý hiếm nhất trên thế giới, vì vậy việc sinh sản thành công của chúng được coi là một phép màu. Sự kiện này càng thêm ý nghĩa khi mà số lượng hổ Bengal đang suy giảm nhanh chóng, hiện chỉ còn khoảng hơn 3.000 cá thể.

Vì sao hổ Bengal quý hiếm bậc nhất thế giới?

Hổ Bengal hay Hổ hoàng gia Bengal (danh pháp khoa học: Panthera tigris tigris) là một phân loài hổ được tìm thấy nhiều nhất tại Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và miền nam Tây Tạng. Chúng được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Danh sách Đỏ IUCN kể từ năm 2008, và được ước tính bao gồm ít hơn 2.500 cá thể vào năm 2011, nguyên nhân chủ yếu do nạn săn trộm, mất và phân mảnh môi trường sống.

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 2.

Hổ Bengal là một trong sáu loài hổ có quý hiếm nhất trên thế giới. (Ảnh: Kênh Động vật)

Bộ lông hổ Bengal có màu từ vàng nhạt đến màu cam, có sọc từ màu nâu sẫm đến đen; bụng và phần bên trong của 4 chân có màu trắng, và đuôi màu cam với những vòng màu đen. Hổ trắng là một đột biến lặn của loài hổ này, được báo cáo trong tự nhiên theo thời gian ở Assam, Bengal, Bihar, và đặc biệt là từ Rewa. Tuy nhiên, nó không phải là triệu chứng của bệnh bạch tạng.

Hổ Bengal đực trưởng thành cao khoảng 1 mét, nặng từ 180 – 300kg và có thể dài đến 2.7 – 3.65 mét (tính cả đuôi). Trong khi đó, hổ cái Bengal trưởng thành có chiều cao khoảng 75cm, nặng 110 – 200kg và dài từ 2.1 – 2.8 mét. Một số cá thể hổ Bengal được tìm thấy trong tự nhiên có thể nặng trên 300kg và dài đến 4m.

Hổ Bengal có hàm răng đặc biệt dài. Răng nanh của nó dài 7,5 đến 10 cm và do đó dài nhất trong số tất cả các loài thú họ mèo. Chiều dài lớn nhất của hộp sọ của nó là 332 đến 376 mm.

Con đực trưởng thành ở độ tuổi 4-5, và con cái ở 3–4 tuổi. Một con hổ Bengal trở nên động dục trong khoảng 3-9 tuần, và dễ tiếp nhận đối tác giao phối trong 3-6 ngày. Sau một khoảng thời gian mang thai 104 - 106 ngày, 1 - 4 đàn con được sinh ra trong một nơi trú ẩn nằm trên thảm cỏ cao, bụi cây dày hoặc trong các hang động.

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 3.

Hổ trắng là một đột biến lặn của loài hổ này. (Ảnh: Tạp chí Môi trường)

Đàn con sơ sinh có trọng lượng từ 780 đến 1,600 g (1,72 đến 3,53 lb) và chúng có lông dày sau 3,5–5 tháng. Mắt và tai của chúng bị đóng lại. Răng sữa của chúng bắt đầu mọc vào khoảng 2-3 tuần sau khi sinh, và dần dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn từ 8,5–9,5 tuần tuổi trở đi. Chúng bú trong 3-6 tháng, và bắt đầu ăn một lượng nhỏ thức ăn đặc vào khoảng 2 tháng tuổi. Tại thời điểm này, chúng theo mẹ của chúng trên các cuộc săn mồi và bắt đầu tham gia săn mồi lúc 5-6 tháng tuổi.

Ở tuổi 2-3 năm, chúng dần dần bắt đầu tách rời khỏi nhóm gia đình để sống tự lập và tìm kiếm một khu vực, nơi chúng có thể thiết lập lãnh thổ của riêng mình. Những con đực trẻ di chuyển xa lãnh thổ của mẹ sớm hơn so với những con cái trẻ. Một khi nhóm gia đình đã chia tay, hổ mẹ lại tiếp tục động dục.

Trong tự nhiên, hổ Bengal là động vật ăn thịt thuần túy và chúng đi săn các loài động vật có kích thước từ trung bình tới lớn, chẳng hạn như nai, lợn rừng, hươu đốm, hươu đầm lầy Ấn Độ, sơn dương, linh dương bò lam, bò tót, trâu nước và trâu rừng Tây Tạng. Chúng cũng săn bắt cả các động vật nhỏ như thỏ rừng, nhím, khỉ, voọc xám và công.

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 4.

Hổ Bengal là động vật ăn thịt thuần túy. (Ảnh: Khoa học và phát triển)

Hổ Bengal cũng đôi khi săn bắt cả các loài động vật ăn thịt khác như báo hoa mai, sói đỏ, chó rừng, cáo, gấu ngựa, gấu lợn, cá sấu Mugger, mặc dù các loài động vật này nói chung không phải là thức ăn điển hình của chúng.

Số lượng hổ Bengal trên toàn thế giới ước tính vào năm 2005 là khoảng 4.500 cá thể, trong đó Ấn Độ có khoảng 3.000 con. Số lượng của loài này đã tăng sau những nỗ lực bảo tồn như Dự án Hổ ở Ấn Độ, làm tăng số hổ từ 1.200 con trong thập niên 1970 lên đến khoảng 3.500 con. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, số lượng hổ giảm do mất môi trường sống và săn bắt trái phép. Ở Ấn Độ, dù chính quyền cố gắng chứng minh số lượng hổ tăng lên qua các phương pháp theo dõi, nhưng có nghi ngờ thực tế số lượng hổ có thể không quá 2.000 con.

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 5.

Số lượng hổ Bengal trên toàn thế giới ước tính không có nhiều. (Ảnh: Pikbest)

Môi trường sống bị tàn phá và nạn săn bắn bất hợp pháp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự sống còn của hổ Bengal. Săn bắn trộm để thu được da, răng và các bộ phận khác như xương cho việc chế tạo thuốc theo phong cách y học truyền thống của Đông Á là một trong những nguyên nhân chính. Sự phát triển đô thị và hành động trả thù bằng cách giết hổ cũng góp phần làm giảm dân số hổ. Các chủ nông trại thường đổ lỗi cho hổ về việc mất mát hay cái chết của gia súc, và họ không ngần ngại tiêu diệt hổ nếu có cơ hội.

Nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm

Sở thú ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài có diện tích khoảng 20ha. Vườn Xoài là nơi chăm sóc nhiều loài động vật quý hiếm, và đã từng chứng kiến sự sinh sản thành công của nhiều cá thể khác như hà mã, hươu cao cổ, gấu.

Đến nay, khu du lịch này đã có hơn 90 loài với hơn 3.000 cá thể động vật hoang dã quý hiếm, và tất cả đều được chăm sóc cẩn thận, giúp tăng cường khả năng sinh sản của chúng. Động vật hoang dã tại đây đa phần đều có nguồn gốc từ Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc gồm: hổ Bengal, sư tử trắng, gấu nâu, báo đen, hồng hạc, vẹt Nam Mỹ, tê giác, gấu trúc đỏ, hồng hoàng, voi, công Đông Dương, trĩ, thiên nga, hươu cao cổ, ngựa vằn, hà mã...

Loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh đẻ con ở Việt Nam: Chỉ còn hơn 3.000 cá thể trên thế giới- Ảnh 6.

Hình ảnh đàn hổ Bengal trong Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Theo trang web của Khu Du lịch Vườn Xoài, địa điểm này chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 40km, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh thành phố Biên Hòa) thuộc phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Khu du lịch này rộng tới trên 50ha.

Từ đó đến nay khu du lịch Vườn Xoài ở Đồng Nai được nhiều người dân trong tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khu vực đến vui chơi, giải trí.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại