Loại hình đầu tư y tế mới ở Việt Nam: Giá 'rẻ' bằng y tế công, vì sao người dân chưa được hưởng?

PV |

Giá dịch vụ y tế được PPP cung cấp phải là dựa trên giá dịch vụ y tế công chứ không phải cao hơn giá dịch vụ y tế công như nhiều người hiểu lầm hoặc kỳ vọng.

Ngày 24/07/2019, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều  nhà quản lý y tế, quản lý bệnh viện trên địa bàn thành phố và các chuyên gia tư vấn về PPP trong lĩnh vực y tế của WB.

Tuy đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về PPP, nhưng WB gợi ý tham khảo một định nghĩa trong đó đầu tư theo hình thức đối tác công tư là 1 hợp đồng dài hạn giữa 1 bên là tư nhân và 1 cơ quan chính phủ nhằm cung cấp 1 tài sản hoặc dịch vụ công. Trong đó, nhà đầu tư tư nhân chịu rủi ro và trách nhiệm quản lý đáng kể. Thù lao sẽ được thanh toán dựa theo kết quả thực hiện.

Đặc biệt, trong hội thảo này, các nhà tư vấn của WB làm rõ hiểu lầm của nhiều người về hình thức đầu tư PPP, theo đó, giá dịch vụ y tế được PPP cung cấp phải là dựa trên giá dịch vụ y tế công chứ không phải cao hơn giá dịch vụ y tế công như nhiều người hiểu lầm hoặc kỳ vọng.

Sức hút của vấn đề PPP đến từ việc hình thức đầu tư này đang được khuyến khích mạnh mẽ trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế cùng với việc gia tăng nhu cầu dịch vụ công và cơ sở hạ tầng. Đồng thời hình thức hợp tác này được chính phủ cam kết thúc đẩy nên nhiều nhà đầu tư nhìn thấy đây là cơ hội. Tuy nhiên, việc đưa chính sách vào triển khai trong thực tế còn có nhiều rào cản khiến cho hình thức hợp tác này trong lĩnh vực y tế chưa được khả quan.

Bức tranh hợp tác công tư đìu hiu

Chuyên gia tư vấn về PPP, ông Trần Duy Hưng cho biết, theo số liệu thống kê, hiện trên cả nước Việt Nam có khoảng 65 đề xuất dự án PPP  trong y tế. Tuy nhiên mới chỉ có 17 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 10 dự án đã có báo cáo nghiên cứu khả thi, 7 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư, 3 dự án ký kết được hợp đồng và mới có 2 dự án hoàn thiện đưa công trình/dịch vụ vào sử dụng. TP.Hồ Chí Minh là địa phương triển khai nhiều nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư.

Nhìn vào bảng số liệu này, có thể thấy kết quả thực hiện PPP trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy danh sách nhà nước đề xuất rất dài (65 dự án) nhưng trong số 17 dự án đã được chuẩn bị ở mức đã hoàn thiện báo cáo tiền khả thi đều có bóng dáng các nhà đầu tư. Điều này cho thấy tính bị động của nhà nước trong vai trò chuẩn bị dự án.

Ông Trần Duy Hưng phân tích, các dự án hợp tác theo hình thức PPP đã thực hiện đấu thầu chủ yếu tập trung vào đầu tư phần "cứng" và chưa chú trọng cung cấp dịch vụ lâm sàng. Đây chính là đặc thù của các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam mạnh về cung cấp cơ sở hạ tầng, tài chính, cơ sở xây dựng nhưng năng lực cung cấp dịch vụ lâm sàng rất hạn chế.

Loại hình đầu tư y tế mới ở Việt Nam: Giá rẻ bằng y tế công, vì sao người dân chưa được hưởng? - Ảnh 1.

Theo khảo sát của WB, năng lực về PPP y tế của cán bộ quản lý y tế công đều ở dưới mức trung bình (Nguồn: The World Bank)

Ngoài ra, hình thức BOT (người dùng chi trả) là hình thức PPP phổ biến nhất hiện nay. Điều này khác biệt với hình thức PPP của một số nước khác là do nhà nước chi trả chứ không phải do bệnh viện thu trực tiếp của người dân. Đặc biệt đáng chú ý, trong số các dự án PPP được triển khai không có nhà đầu tư nước ngoài nào cả, hoàn toàn là cuộc chơi của nhà đầu tư trong nước. Rõ ràng, môi trường đầu tư PPP của nước ta hiện nay khó khăn cho nhà đầu tư trong nước và lại còn không phù hợp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến nội dung này, BS Bùi Nghĩa Thịnh - Giám đốc y khoa của Hệ thống cấp cứu ngoại viện *9999 cho rằng, sở dĩ Việt Nam không thể thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến hình thức hợp tác PPP trong y tế bởi giá dịch vụ y tế của Việt Nam quá thấp. Giá dịch vụ thấp khiến cho hệ thống y tế tư nhân rất khó phát triển, hệ thống y tế công vẫn phải bổ sung nguồn ngân sách, bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền ra để đảm bảo cho việc khám chữa bệnh của mình. Với nền tảng như vậy, nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại nguy cơ mất vốn.

Không đồng ý với điểm này, bà Nguyễn Thanh Phương - Viện chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế có mặt tại hội thảo cho biết, tổng chi phí cho y tế Việt Nam chiếm tới 6% tổng số GDP, thuộc mức gần như cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này chỉ chứng tỏ đầu tư cho y tế của Việt Nam đang không hiệu quả. Chính WB cũng cho rằng giá dịch vụ y tế của Việt Nam quá thấp chính là rào cản phát triển PPP và khẳng định WB sẽ đưa giá dịch vụ y tế vào thành 1 nội dung của cải cách ngành y tế.

Tư nhân chỉ mải "hớt váng mỡ"

Theo Ths Kiều Hữu Hạnh, chuyên gia tư vấn về PPP, khối y tế tư nhân của Việt Nam có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao. Trong 50 tỉnh thành trên toàn quốc đã có 240 bệnh viện tư, hơn 35.000 phòng khám tư cung cấp 31,2% dịch vụ ngoại trú và 6,3% dịch vụ nội trú. Trong đó một số tập đoàn y tế đã thành lập được chuỗi bệnh viện tư như Hoàn Mỹ, Vinmec, Medic, Hoa Lâm Shangri… Chất lượng dịch vụ của khối y tế tư nhân cũng được đánh giá cao với con số khảo sát tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn là 30%, 80% hài lòng với chất lượng dịch vụ…

Chuyên gia Trần Duy Hưng lại cho biết, hiện nay chính phủ Việt Nam và BYT thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế tuy nhiên, vẫn có 2 khung pháp lý về đầu tư là xã hội hoá và PPP. Khung pháp lý về xã hội hoá thực hiện quy trình đơn giản hơn so với PPP và có vẻ thuận lợi hơn cho cả nhà nước và nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Nếu trong lĩnh vực PPP mới chỉ triển khai được 2 dự án thì lĩnh vực xã hội hoá đã triển khai được hàng nghìn dự án khác nhau từ hình thức liên doanh liên kết, đặt máy… thu hút hàng nghìn tỉ đồng.

Hình thức xã hội hoá phù hợp và ăn nhịp với đặc thù tự chủ tài chính. Các bệnh viện công và cả các nhà đầu tư hiện nay có rất nhiều động lực tham gia vào hình thức xã hội hoá trong y tế nhằm "hớt váng mỡ", tức là cung cấp dịch vụ cho đối tượng có thu nhập cao và tận dụng cơ hội từ việc quá tải của khu vực bệnh viện công.

Loại hình đầu tư y tế mới ở Việt Nam: Giá rẻ bằng y tế công, vì sao người dân chưa được hưởng? - Ảnh 2.

Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội - một trong hai dự án PPP đã được đưa vào vận hành

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo hiện tượng "hớt váng mỡ" này, nếu không được kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến trục lợi gây tổn thất cho nhà nước. Lấy ví dụ trường hợp hợp tác của 1 bệnh viện tư nhân lớn ở khu vực TP HCM với một bệnh viện công hàng đầu ở đây dưới hình thức bệnh viện công san sẻ bệnh nhân cho bệnh viện tư và đưa bác sĩ của bệnh viện công sang tăng cường năng lực cho bệnh viện tư, có khách mời cho rằng đây là hiện tượng "ăn cắp", tham nhũng dưới cái mác hợp tác kinh doanh và cảnh báo những nhà quản lý y tế cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa sự hợp tác công tư trong y tế.

Y tế công lo sợ đánh mất quyền kiểm soát

Một trong những khó khăn và rào cản sự phát triển của PPP trong y tế được các chuyên gia đề cập đến, đó là khu vực y tế công lo sợ đánh mất quyền kiểm soát. Ngoài những yếu tố khách quan như PPP y tế chưa thực sự phù hợp với hệ thống y tế công hiện nay, chưa có danh mục dự án PPP y tế kêu gọi đầu tư tin cậy, thiếu sự hướng dẫn lựa chọn mô hình PPP y tế phù hợp… thì nỗi lo này còn bắt nguồn từ việc các cơ quan nhà nước thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thực tiễn về PPP trong lĩnh vực y tế - như chuyên viên Kiều Hữu Hạnh phân tích.

BS Bùi Nghĩa Thịnh cho biết, ông đang điều hành hệ thống cấp cứu *9999. Đây là hệ thống cấp cứu được thiết lập nhằm phục vụ nhu cầu cấp cứu của 300.000 người nước ngoài sinh sống tại địa bàn TP HCM. 

Ưu điểm của *9999 là không phải chỉ nhận điện thoại báo cấp cứu và điều xe đến như cách cấp cứu truyền thống mà còn nhận diện tình hình, phân loại các mức độ cấp cứu để tuỳ trường hợp cụ thể có thể hướng dẫn bệnh nhân tự đi đến cơ sở y tế (với trường hợp nhẹ) hoặc điều xe cấp cứu. Trong những trường hợp nặng cần sơ cứu kịp thời hoặc nếu chuyển đi sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân thì *9999 có thể hướng dẫn để biến người gọi điện thành người cấp cứu ngay tại chỗ. Mô hình này được nhập nguyên mô hình 911 từ Mỹ về và đã thấy rõ được hiệu quả.

Khi đưa vào vận hành ổn định, những người điều hành hệ thống này nhận thấy năng lực của *9999 còn rất lớn và mong muốn được đóng góp cho dịch vụ công bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn trước khi xe cấp cứu đến, tức là *9999 sẽ nhận điện thoại, phân loại và hướng dẫn người dân, sau đó sẽ chuyển thông tin, địa chỉ cho cơ sở cấp cứu của y tế công.

Ông Bùi Nghĩa Thịnh cho biết, phía *9999 đã đề xuất với Sở Y tế TP HCM 2 lần, nhưng trong gần 3 năm qua vẫn chưa nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, *9999 vẫn hy vọng được hợp tác với Sở Y tế TP HCM để đưa dịch vụ hỗ trợ cấp cứu trước khi xe cấp cứu đến vào phục vụ nhân dân đồng thời giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm đáng kể do không phải đầu tư từ đầu trung tâm điều hành cấp cứu.

Nhân sự việc này, Chuyên gia Y tế của WB, ông Lê Minh Sang hy vọng cuộc hội thảo với sự có mặt của nhiều lãnh đạo y tế công và tư sẽ giúp làm cầu nối để khối y tế tư nhân có tiềm năng có thể tìm được tiếng nói chung với khối y tế công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại