Theo Nhà khoa học, lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, kỷ tử hay câu kỷ tử là một cây dược liệu được trồng ở nước ta, thu hái quả hàng năm vào tháng 8-9. Quả khi chín đỏ sẽ được thu hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, phơi trong râm mát cho đến khi bắt đầu nhăn. Sau đó, mới phơi chỗ nắng nhiều cho đến khi thật khô.
Quả câu kỷ tử khô hình bầu dục, dài khoảng 0,5-1cm, đường kính khoảng hơn 0,2cm. Vỏ quả màu tím đỏ hoặc đỏ tươi, mặt ngoài nhăn teo, bên trong có nhiều hạt hình tạng thận màu vàng, có một đầu có vết của cuống quả. Kỷ tử không mùi, vị ngọt hơi chua.
Trong Đông y, kỷ tử có vị ngọt, tính bình, quy kinh Can, Thận và Phế kinh, có tác dụng dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, tráng dương, nhuận phế. Quả (hạt) kỷ tử làm thuốc bổ, chữa hư lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, ra nhiều nước mắt, mắt mờ, tiểu đường. Lá và vỏ rễ (gọi là địa cốt bì) chữa ho, sốt, thổ huyết.
Kỷ tử là dược liệu phổ biến trong Đông y với nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh: Internet)
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho hay, khoa học hiện đại đã phân tích thành phần hoá học của quả kỷ tử có chứa: betaine, acid amin, vitamin C, caroten, thiamin, riboflavin, acid nicotinic, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như photpho, canxi, sắt. Vỏ rễ chứa một alkaloid gọi là kukoamin và một dipeptid gọi là lyciumamid (N-benzoyl, L- phenylalanyl, L- phenylalaninol acetat).
Kỷ tử có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp cho tinh thần minh mẫn, phục hồi trí nhớ do trong quả có chứa betaine giúp tăng cường trí nhớ. Chất polysaccharides trong kỷ tử làm tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch. Nhờ đó kỷ tử giúp ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, virus, giảm ốm vặt khi thời tiết thay đổi thất thường, không khí ẩm ướt.
Kỷ tử còn có tác dụng chống lão hoá và đẹp da do có chứa nhiều vitamin C, chất xơ, ít chất béo vì vậy có thể giúp chống xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao. Đồng thời, kỷ tử có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư, chống lão hóa mạnh mẽ.
"Zeaxanthin trong kỷ tử chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào chống lại sự phá vỡ khi tiếp xúc với các yếu tố như khói và phóng xạ. Thường xuyên dùng kỷ tử sẽ giúp bạn chống lại quá trình lão hoá", nhà khoa học Bùi Đắc Sáng nói.
Kỷ tử là loại dược liệu rất quý giá, sử dụng có nhiều cách. Cách sử dụng kỷ tử thông dụng nhất là pha trà, hầm canh để ăn và kết hợp kỷ tử với các loại thực phẩm khác để chế biến thành canh kỷ tử sẽ có tác dụng bồi bổ rất tốt.
Vỏ kỷ tử cũng được làm thuốc
Theo Đông y, địa cốt bì (vỏ cây kỷ tử) có vị ngọt nhạt, tính hàn; vào phế, can, thận và tam tiêu. Địa cốt bì có tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp, hạ cholesterol, thanh phế, trừ cốt chưng và giáng hỏa. Đồng thời, địa cốt bì cũng có khả năng kháng khuẩn, giúp ức chế tụ cầu khuẩn và một số loại virus.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng lưu ý, kỷ tử đem đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng 5 nhóm đối tượng sau đây không nên dùng kỷ tử:
- Người tỳ vị hư yếu, tỳ hư thấp trệ (đại tiện sống phân hoặc phân lỏng), có ngoại tà thực nhiệt không nên dùng.
- Người đang cảm sốt hoặc cơ thể có triệu chứng viêm nhiễm
- Người dị ứng với thành phần của dược liệu
- Người có nhu cầu sinh lý cao (vì kỷ tử có tác dụng làm phấn khích thần kinh)
- Phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng
Ngoài ra, kỷ tử có thể tương tác không tốt với các loại thuốc, bao gồm: thuốc chống đông máu, thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường.
*Đọc thêm phỏng vấn Lương y Bùi Đắc Sáng TẠI ĐÂY; Đọc thêm bài của tác giả Ngọc Minh TẠI ĐÂY.