Vào năm 2014, hai bố con ông Nguyễn Văn T. (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong lúc đi đánh cá phát hiện một gốc cây lớn nằm dưới lòng suối. Sau khi phát hiện, cha con ông T. tìm cách trục vớt nhưng bất thành vì gốc cây quá lớn và nặng. Khi biết tin, hàng nghìn người dân đã kéo tới xem, theo báo Dân trí đưa tin.
Sau đó, lực lượng chức năng đã được mời đến để bảo vệ hiện trường, họ đã triển khai nhiều phương án kỹ thuật, máy móc và sức người trục vớt gốc cây lên bờ để xử lý theo quy định. Các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra và xác nhận đây là một gốc cây gỗ sưa khổng lồ.
Gốc cây này được xác định có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc loại sưa mộc vàng; đường kính gốc khoảng 1m, chiều rộng của rễ ở gốc 2,5m và nặng hơn 2,1 tấn. Bên trong thân của gốc sưa rỗng, cây già cỗi và bị ngâm nước thời gian dài, tạo nên nhiều vết nứt chằng chịt.
Thời điểm đó, thị trường gỗ sưa "nóng", gốc sưa nặng hơn 2 tấn này được ước tính có giá trị khoảng hơn 17 tỷ đồng, nhiều thương lái đã tìm đến để hỏi mua. Tuy nhiên, đến nay, giá trị thực của gốc sưa vẫn còn là ẩn số. Hiện nay, bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình đang trưng bày gốc gỗ sưa này.
Gỗ sưa là loại gỗ gì mà có giá thành đắt đỏ như vậy?
Loại gỗ được coi là "khối vàng lộ thiên"
Theo báo Nhân dân, sưa có tên khoa học là Dalbrgia tonkinensis Prain, là loài quý hiếm thuộc nhóm IA quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Ðây là loại gỗ được Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại. Sưa còn có tên khác là trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc vàng.
Sưa là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cây cao từ 6-12m (cũng có thể cao tới 15m), sinh trưởng trung bình. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán. Vỏ thân cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Cành non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ, mỗi là kép có từ 9-17 lá chét đính so-le trên cuống chính. Lá chét hình xoan thuôn, đầu nhọn hoặc có mũi ngọn, đuôi tròn, mặt dưới phiến lá thường có màu tái trắng. Kích thước lá chét dài từ 6–9 cm, rộng từ 3–5 cm, lá ché đính ở đầu cuống kép thường có kích thước lớn hơn các lá còn lại. Cuống chính và các cuống lá chét không lông, phiên lá chét không lông. Có lá kèm nhỏ không lông, sớm rụng.
Hoa mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông màu trắng, có kích thước 7-9mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2-3. Quả dạng đậu hình trứng thuôn dài, dài 5–7,5 cm, rộng khoảng 2-2,5 cm. Quả chứa 1-2 hạt, mỗi hạt có đường kính khoảng 8-9mm, hình thận dẹp. Quả khi chín không tự nứt.
Sưa là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở đai độ cao tuyệt đối dưới 500m. Sưa trong tự nhiên tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa. Chúng chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và cũng được tìm thấy tại Hải Nam, Trung Quốc.
Gỗ sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối. Gỗ trắc thối chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi, gỗ có thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, Tiến sĩ Lê Bá Toàn, trưởng khoa lâm nghiệp thuộc Trường đại học Nông lâm TP.HCM cho biết sưa có 2 loài chính là sưa trắng và sưa đỏ, bên cạnh đó còn có cây sưa vàng.
Căn cứ vào màu hoa và màu lõi gỗ của mỗi loại sưa mà người ta đặt tên là sưa đỏ hoặc sưa trắng. Sưa trắng (còn gọi là thàn mát) cho hoa trắng muốt, tỏa hương thơm mát, quả to và đốt không có mùi. Sưa đỏ thân sần sùi hơn sưa trắng, quả kết thành từng chùm và đốt lên có mùi thối nên sưa đỏ còn được gọi là sưa trắc thối. Các nhà vườn phân biệt hai loài sưa này bằng cách quan sát lá: sưa trắng 2 lá mọc đối nhau, sưa đỏ 2 lá mọc so le với nhau. Gỗ của sưa đỏ có giá trị hơn sưa trắng.
Gỗ sưa đỏ là loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, thường được dùng để làm đồ gỗ nội thất, hương liệu và dược liệu.
Trong buổi phỏng vấn với báo Nhân dân, GS.TSKH Phạm Bình Quyền- Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (ÐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, sưa không phải là loài cây khó nhân giống, nhưng đây là loài cây vòng đời sinh trưởng của cây rất cao: 60 năm mới cho cây trưởng thành. Một năm cây chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5 cm đường kính.
Gỗ sưa là loại gỗ quý, sau khi khô không nứt, biến dạng, không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tại Trung Quốc, cây gỗ sưa được gọi là gỗ hoàng hoa lê. Từ lâu người Trung Quốc đã xem gỗ sưa là một trong bốn loại gỗ quí nhất, gồm Tử đàn, Hoàng hoa lê, Kê sí và Thiết lực.
Trong một cuốn sách thời nhà Đường (618 – 907) có ghi rằng: "Gỗ hoàng hoa lê tìm thấy ở An Nam và đảo Hải Nam. Khi làm gường, tủ hoàng hoa lê khá giống tử đàn nhưng cứng và quyến rũ hơn". Vào thời nhà Minh, gỗ hoàng hoa lê được sử dụng để làm ngai vàng, đồ dùng hàng ngày, bàn ghế cũng như giường tủ cho các vua chúa cũng như những gia đình thuộc giới quý tộc..
Theo Dân trí, cây sưa được người dân ví như "khối vàng lộ thiên" bởi mức giá đắt đỏ của chúng. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng thậm chí đối với những cây cổ thụ có thể được trả giá cả trăm tỷ. Nhiều đại gia sẵn sàng đem cả bao tải tiền để sở hữu loại gỗ đặc biệt này.
Các giá trị khác của gỗ sưa
Một số sách của Trung Quốc như "Trung dược đại từ điển" và "Bản thảo cương mục" đều đánh giá gỗ sưa có công dụng y học tuyệt vời như cầm máu, giảm đau, chống huyết áp, bệnh đường ruột, nhuận khí, chứa bễnh tim và hoạt huyết. Người Trung Quốc tin rằng có gỗ sưa mà gối đầu thì không khác gì thuốc được truyền trực tiếp vào người.
Đánh giá về giá trị gỗ sưa, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, gỗ sưa có giá trị về mặt kinh tế. Gỗ sưa là loại cây quý hiếm trong tự nhiên nhưng hiện nay chúng ngày càng khan hiếm và thường xuyên bị trộm. Ở một số nơi, để bảo vệ cây người ta phải cử người túc trực, cuốn dây thép gai. Gần đây, nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đang thử nghiệm việc nhân rộng diện tích trồng gỗ sưa tự nhiên.