Nội dung chính
- Bạch đậu khấu là một trong những gia vị đắt đỏ trên thế giới.
- Lưu ý khi dùng bạch đậu khấu.
- Phân biệt bạch đậu khấu với nhục đậu khấu.
Gia vị đắt đỏ trên thế giới
Theo cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bạch đậu khấu là loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani.
Hiện, Việt Nam đang là một trong những nước cung ứng bạch đậu khấu cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 2.501 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, kim ngạch đạt 20 triệu USD, báo Kinh tế đô thị đưa tin.
Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, bạch đậu khấu là dược liệu trong Đông y có tác dụng làm ấm dạ dày, hành khí... nên thường được dùng trong các bài thuốc điều trị chán ăn, đau họng, cảm lạnh, co thắt bụng, ợ hơi, chống nôn, tiêu thực, trừ hàn, giã rượu, đau dạ dày, tiêu chảy,... Ngoài ra, dược liệu này còn được sử dụng giúp cải thiện các vấn đề về mật, thận và làm tăng hưng phấn khi quan hệ tình dục.
Nghiên cứu trong Y học hiện đại chỉ ra rằng các hoạt chất trong bạch đậu khấu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, có thể hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tiêu hóa, ngừa ung thư…
Lưu ý khi dùng bạch đậu khấu
Theo ông Sáng, Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều đã nhận thấy lợi ích sức khỏe của bạch đậu khấu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại gia vị này, người dân cũng cần phải ghi nhớ một số lưu ý nhất định.
1. Giảm tác dụng nếu thời gian đun nấu bạch đậu khấu kéo dài
Khi tiếp xúc với nhiệt độ trong thời gian dài, các dược tính và tác dụng của bạch đậu khấu sẽ bị giảm đi. Do đó, khi chế biến các bài thuốc có chứa loại dược liệu này, mọi người nên sắc các nguyên liệu khác trước, đến khi thuốc sắc gần xong thì mới cho bạch đậu khấu vào.
2. Người có cơ địa nhiệt không nên dùng bạch đậu khấu
Ông Sáng cho biết, những người có cơ địa nhiệt, bị thiếu máu hoặc táo bón nên hạn chế sử dụng bạch đậu khấu để điều trị bệnh.
3. Không dùng bạch đậu khấu cho phụ nữ có thai
Ông Sáng lưu ý, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em không nên sử dụng bạch đậu khấu để điều trị bệnh.
Phân biệt bạch đậu khấu và nhục đậu khấu
Ngoài những lưu ý khi sử dụng bạch đậu khấu, ông Sáng cũng chỉ ra cách phân biệt bạch đậu khấu với nhục đậu khấu.
- Về hình dạng: Bạch đậu khấu hình cầu dẹt, có khía, 3 múi và nhiều hạt. Bạch đậu khấu khi chín có màu nâu trắng và lớp vỏ khô. Nhục đậu khấu hình cầu tròn, màu vàng sẫm. Khi chín vỏ tách đôi ra và chỉ có 1 hạt bên trong. Vỏ hạt tách ra sẽ có màu hồng.
- Về mùi vị: Bạch đậu khấu có vị cay, hương thơm dịu, hơi ngọt. Nhục đậu khấu có vị hơi đắng và chát.
- Về thành phần: Nhục đậu khấu có lượng tinh dầu nhiều hơn (5%) so với bạch đậu khấu (2.4%). Các chất còn lại khá tương tự nhaubền.
- Công dụng: Bạch đậu khấu là loại thảo quả xanh tính ấm, có thể chống nôn, hỗ trợ tiêu hóa và lưu thông máu. Nhục đậu khấu cũng có tính ấm nhưng có thể chữa tiêu chảy, dạ dày, sốt rét, bệnh phong.
Ông Sáng cho biết thêm, bạch đậu khấu là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng tương tự như những loại thuốc khác, bạch đậu khấu có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với sức khỏe. Do đó, khi sử dụng bạch đậu khấu làm thuốc chữa bệnh, người dân cần tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn về y học cổ truyền để đảm bảo sức khỏe.