Ếch hương là một trong những loài động vật lưỡng cư. Loại ếch này còn có nhiều tên gọi khác như ếch vương, ếch công nương, ếch tiến vua hay "ếch đại gia". Còn người Dao đỏ địa phương vẫn thường gọi là "Tồng Keng", theo tiếng dân tộc có nghĩa là ếch lớn. Sở dĩ loại ếch này được gọi như vậy vì chúng sống hoàn toàn trong tự nhiên trên núi Mẫu Sơn chính vì thế nên thịt rất thơm, dai, không tanh như ếch đồng.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, nguồn ếch hương trong tự nhiên hiện tại rất hiếm, lại là đặc sản có giá trị cao. Tại các tỉnh miền Bắc, chỉ duy nhất tại Lạng Sơn người ta mới tìm thấy giống ếch này. Mùa sinh sản của ếch Hương vào khoảng tháng 5, tháng 6, tới tháng 9 đến tháng 10 là thời điểm trưởng thành đạt trọng lượng và chất lượng tốt nhất. Chính vì thế, rất nhiều người tiêu dùng tìm mua loại ếch này.
Thế nhưng do số lượng ếch Hương hiện tại rất ít do chưa thể nuôi và nhân giống được nên giá thành của loại đặc sản này trở nên đắt đỏ hơn các loại ếch thông thường tới 10 lần.
Ảnh minh họa.
Một người mua ếch Hương tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu theo các xe từ miền xuôi lên núi, ếch đồng được bán với giá 70 nghìn đồng/kg, muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng đặt tìm mua vài con ếch Hương rừng, tôi có thể phải chờ cả tháng mà không có, may mắn mới được 1-2 cân.
Con ếch Hương có đặc điểm rất riêng, khác hoàn toàn với ếch đồng nuôi vì có màu nâu đen giống màu đá, con đực có gai ở dưới cổ, trọng lượng lớn nhất cũng chỉ được khoảng 400 gram/con. Giá tôi mua gần đây nhất cũng là 500 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm khan hiếm hàng, người bán có thể "hét giá" từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg. So với giá ếch đồng thì đắt gấp nhiều lần. Thế nhưng thịt ếch Hương sau khi chế biến có vị ngọt, thơm, chắc như thịt gà chọi, không tanh như ếch đồng nên người sành ăn ai cũng muốn thưởng thức mỗi khi đến mùa".
Ảnh minh họa.
Nhiều khách ở Hà Nội muốn mua ếch Hương thì phải đặt hàng trước cả tuần hoặc cả tháng. Mỗi lần có hàng, có thể mua liền 1 lúc cả vài cân để ăn dần vì không phải lúc nào cũng có.