Các loài này phân bố khắp châu Á: từ phía đông dãy Himalaya, phía đông Nepal, phía bắc Ấn Độ, Bhutan, Myanmar, từ miền trung đến miền nam Trung Quốc và Lào, Thái Lan, Việt Nam.
Tylototriton bao gồm ba phân chi: Tylototriton, Yaotriton và Liangshantriton. Và loài được phát hiện mới nhất trên núi Ngọc Linh, Kon Tum, Việt Nam có tên là Tylototriton ngoclinhensis (tên thường gọi là “kỳ nhông Ngọc Linh”), thuộc phân chi Yaotriton.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học ZooKeys, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã tìm ra loài kỳ nhông mới ở độ cao 1.800 m tại Tây Nguyên. Trước đây, các loài kỳ nhông từng được phát hiện thường chỉ phân bố ở độ cao từ 250 m - 1.740 m.
Nhà nghiên cứu bò sát và lưỡng cư Phùng Mỹ Trung, một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết, vào năm 2018 đã phát hiện được cá thể con non của loài Lưỡng cư thuộc Bộ lưỡng cư có đuôi Caudata (một loài cổ sinh học). Nhưng đến gần 5 năm sau, giữa năm 2023 họ mới thu đủ mẫu để công bố về loài kỳ nhông mới này.
Mặc dù mới được tìm thấy chưa lâu, theo các nhà nghiên cứu, vị trí địa lý đặc biệt và tính hiếm có, vẻ ngoài đầy màu sắc của loài kỳ nhông mới rất có thể sẽ thu hút sự quan tâm của những người sưu tầm bất hợp pháp. Vì lý do này, các nhà nghiên cứu kêu gọi đưa kỳ nhông Ngọc Linh vào danh sách loài bị đe dọa trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (ICUN).
Theo sách đỏ ICUN, từ năm 2020, loài kỳ nhông Việt Nam (Tylototriton vietnamensis), loài động vật đặc hữu của Việt Nam cũng thuộc chi Tylototriton đã được đưa vào danh sách sắp nguy cấp. Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), tất cả các loài kỳ nhông cá sấu đều được coi là có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ.
(Theo ZooKeys, sci.news)