Tiến sĩ Abhinav Singh, Giám đốc y tế Trung tâm Giấc ngủ Indiana, chuyên gia tại Sleep Foundation cho biết: “Chất lượng giấc ngủ tốt là nền tảng để xây dựng sức khỏe tối ưu.
Ngay cả khi bạn có chế độ dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn nhưng nếu không ngủ đủ giấc vẫn có thể gặp các vấn đề về sức khỏe.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch, giúp cơ bắp, chức năng não hồi phục. Giấc ngủ cũng đóng vai trò giúp kéo dài tuổi thọ”.
Để có một giấc ngủ ngon, hầu hết mọi người thường được khuyến cáo nên làm một số điều trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tránh các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà hoặc tránh tập thể dục sát giờ đi ngủ, hạn chế stress,... Tuy nhiên, có một loại thức uống cũng có thể phá hỏng giấc ngủ nhưng rất ít người để ý, đó là rượu bia.
Rượu là một chất ức chế hệ thần kinh trung ương khiến hoạt động của não chậm lại. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều rượu có gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, gây gián đoạn giấc ngủ hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Ảnh minh họa.
Uống rượu bia gây gián đoạn giấc ngủ
Tiến sĩ Abhinav Singh cho biết, uống rượu trước khi đi ngủ có thể gây ức chế giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh, thường diễn ra trong vòng 90 phút đầu tiên sau khi chìm vào giấc ngủ) trong hai chu kỳ đầu tiên.
Điều này có thể tạo ra sự mất cân bằng giữa giấc ngủ sóng chậm và giấc ngủ REM. Sự mất cân bằng này làm giảm chất lượng giấc ngủ nói chung, điều này có thể dẫn đến thời gian ngủ ngắn hơn và giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hơn.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống rượu trong vòng 4 tiếng trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên tục và thời lượng của giấc ngủ, dẫn đến tình trạng thức dậy vào ban đêm và khó ngủ trở lại.
Nếu bạn gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ sau khi uống rượu, hãy hạn chế uống rượu hoặc ngừng uống rượu khoảng 4 tiếng trước khi đi ngủ để đảm bảo cơ thể bạn có đủ thời gian để tiêu hóa và chuyển hóa rượu.
Uống rượu bia gây mất ngủ
Uống rượu say - uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn dẫn đến nồng độ cồn trong máu từ 0,08% trở lên - có thể gây mất ngủ.
Trong các nghiên cứu gần đây, những người tham gia nghiên cứu thường xuyên uống rượu say sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn. Tình trạng này xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, thanh thiếu niên cũng như người trung niên và người cao tuổi.
Ảnh minh họa.
Uống rượu bia và chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là hiện tượng người bệnh ngừng hô hấp từ 5 - 10 giây hoặc hơn trong khi ngủ. Những người mắc hội chứng này có giấc ngủ rối loạn, chất lượng giấc ngủ kém.
Tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra một hoặc nhiều lần trong đêm, dẫn đến việc cơ thể thiếu oxy và gây mệt mỏi.
Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn đường thở.
Một số nghiên cứu cho rằng rượu góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ vì nó làm cho cơ cổ họng thư giãn, từ đó tạo ra nhiều lực cản hơn trong quá trình thở.
Mối quan hệ giữa ngưng thở khi ngủ và rượu đã được nghiên cứu khá rộng rãi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống rượu có thể làm tăng 25% nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ.