Là loài cây đặc hữu ở nước ta, chai lá cong có tên khoa học là Shorea falcata. Theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, cây được xếp vào mức rất nguy cấp, các quần thể của loài này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, vì hiện nay số lượng cây trên thế giới còn rất ít.
Thống kê vào năm 2022 của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường (thuộc Đại học Huế), tại Việt Nam chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ. Riêng thị xã Sông Cầu (Phú Yên) là nơi còn lại nhiều cây chai lá cong nhất với 7 cây. Những cây còn lại hiện hữu ở khu vực ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế phải cần đến hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ.
Theo Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, những cây chai lá cong ở Phú Yên có thể xem là "cây mẹ" vì tuổi đời của nó khá lớn. Đối với hệ thống của thế giới, thì loài cây nào chỉ có tại một vùng đất và không thể tìm thấy ở vùng đất khác, thì nó được gọi là endemic (tức là đặc hữu).
Loài đặc hữu thì bắt buộc phải bảo vệ, phải đừng để nó chết. Nếu để loài đó chết thì lần sau không thể nào tìm thấy được cả.
Chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngoài chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt và sử dụng làm gỗ quý đóng tàu thuyền, kèo cột, vật dụng quan trọng trong gia đình, cây còn có giá trị về mặt tâm linh đối với người dân vùng ven biển.
Với ý nghĩa đặc biệt còn hiện hữu trong tình trạng mai một, người dân mong muốn chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương bảo tồn, phát triển loại cây quý hiếm này.
Liên quan đến bảo tồn loài cây đặc hữu này, năm 2020, một cây chai lá cong gần 400 tuổi ở Vùng 4 Hải quân, thuộc phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính 1,7m, cao khoảng 25m, sinh trưởng bình thường và cho ra hoa quả hằng năm.