Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 4 đạt 183.361 tấn với trị giá hơn 80 triệu USD, giảm 41,8% về lượng và giảm 43,2% so với tháng trước đó. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 510 triệu USD với hơn 1,1 triệu tấn, giảm nhẹ 3,5% về lượng nhưng tăng đến 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng của ngành sắn là giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đạt 452 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam khi sản lượng và trị giá chiếm đến 91% của cả nước. Cụ thể trong 4 tháng, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,054 triệu tấn sắn với trị giá hơn 470 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 446 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc). Trong 4 tháng đầu năm, nước ta xuất sang thị trường này 20.693 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về hơn 11 triệu USD, tăng 1% về lượng và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu đạt 553 USD/tấn, tăng 14%.
Phillipines là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 9.443 tấn, trị giá hơn 4,9 triệu USD, giảm 10% về lượng nhưng tăng gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 521 USD/tấn, tăng 12%.
Tổng cục Thống kê thông tin, thời điểm hiện tại Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam hiện có có 528.000 ha sắn. Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.
Thiếu hụt sắn nguyên liệu là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới giá sắn tươi tăng trong tháng 1. Từ đầu tháng 1 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc đang liên tục có xu hướng tăng lên. Sản lượng sắn giảm đáng kể cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá sắn tăng.
Sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn. Thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo.
Từ trước tới nay, lá sắn vốn dĩ được người xưa dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi như nuôi cá, nuôi tằm và sau đó được xuất sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các khu vực đông người châu Á sinh sống. Bên cạnh lá sắn, các loại lá như lá tre, lá chuối cũng được nhiều quốc gia thu mua.
Thời gian tới, dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu vẫn cao do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.