Nội dung chính
- Vừa dùng làm thuốc, vừa dùng được làm thực phẩm
- Giá trị kinh tế của rễ cây
Loại cây có tên gọi đặc biệt
Ở nhiều vùng đồi núi của Việt Nam, có một loại cây có tên rất độc đáo, không phải ai cũng biết đến nhưng rễ của chúng dùng được với nhiều mục đích, cứ đào là bán được tiền. Đó là cây vú bò. Loại cây này thế nào?
Theo báo Quảng Ngãi, cây vú bò, còn được biết đến với tên gọi "ngũ chỉ mao đào," vú bò sẻ, vú lợn, ngải phún, sung ba thùy, tên khoa học là Ficus simplicissima Lour. Loại thực vật này thuộc họ dâu tằm Moraceae, khá thấp, chỉ cao từ một đến hai mét, sống lâu năm với các cành lớn thưa thớt. Lá của nó hình chia cắt từ ba đến năm phần, viền có răng cưa, mặt phía trên có độ nhám và các gân nổi bật. Hoa nhỏ xuất hiện tại kẽ lá.
Đặc biệt, quả của nó thực chất là một nhóm hoa biến đổi, mà phần lớn được bao bọc bởi đế hoa lõm, tạo thành hình cái chén. Quả nằm trong đế hoa, hình tròn với đường kính khoảng 10mm, phía đỉnh quả nổi lên một điểm nhỏ màu đỏ, giống hình ảnh đầu vú của bò hoặc chó, từ đó có tên gọi là cây vú bò.
Quả của cây vú bò ăn gần giống vị quả sung. Quả có màu xanh lá, khi chín mang màu đỏ tía rất đẹp. Quả chỉ cần cắn nhẹ thì nhựa màu trắng sữa chảy ra. Mùa ra quả từ tháng 9 đến tháng 12.
Cây vú bò là một loại thực vật đặc biệt không chỉ có thể được sử dụng như một loại thảo mộc trong Đông y mà còn có thể được dùng làm thực phẩm.
Cây này mọc hoang ở nhiều vùng núi của Việt Nam và thường được tìm thấy ở các tỉnh như Quảng Tây và Quảng Đông ở Trung Quốc, nơi nó được mệnh danh là "nhân sâm Quảng Đông." Ngoài ra, loại cây này có thể tìm thấy ở nhiều nơi như Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Lào. Tại nước ta, cây vú bò có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành khác nhau, chạy dọc theo các tỉnh có vùng núi thấp (dưới 600m) đến các vùng trung du và đồng bằng.
Vú bò thường mọc cùng với cây bụi ở các ven rừng, ven đồi. Vú bò là cây có bản chất ưa sáng, chịu được khô hạn, quả ra ít và là nguồn thực ăn của động vật gặm nhấm. Ở các tỉnh phía Nam, quả thường ra vào cuối mùa khô. Ở các tỉnh phía Bắc, mùa hoa quả thường là cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu.
Thân cây phủ đầy lông màu nâu vàng, và khi lá bị bẻ ra, chất lỏng màu trắng giống như sữa sẽ chảy ra. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ, thu hái quanh năm, được dùng thay thế hoàng kỳ nên có tên là thổ hoàng kỳ.
Loại cây nhiều công dụng tốt
Hệ thống rễ của cây vú bò không dễ đào, nhưng một khi thu hoạch được, chúng có thể được sử dụng để hầm canh với mùi thơm của nước cốt dừa và vị ngọt nhẹ, phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài ra, rễ cây còn có thể dùng để pha trà hoặc ngâm rượu. Thường rễ đào về, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Người ta còn sao vàng hay tẩm mật sao rễ cho thơm, hoặc có khi nấu thành cao đặc mà dùng.
Trong cây vú bò có nhiều acid hữu cơ, acid amin, các chất triterpen, alcaloid và coumarin.
Trong Đông y, cây vú bò có công dụng bồi bổ khí huyết, giúp điều trị tắc tia sữa sau sinh, điều trị bệnh phong thấp, sưng đau khớp. Ở Trung Quốc, người ta còn sử dụng rễ để thư giãn cơ bắp và thông kinh mạch. Rễ cây có vị ngọt, hơi cay và tính bình, được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiệt, ho, đờm. Ngoài ra, các bộ phận khác như thân, lá, quả và nhựa của cây vú bò cũng được sử dụng trong việc chế biến thuốc, chẳng hạn như quả giúp giảm hen suyễn và đờm, bồi bổ lá lách.
Theo cuốn "Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004)" của tác giả Đỗ Tất Lợi thì theo Y học cổ truyền, Tuệ Tĩnh đã sử dụng nhựa lấy từ rễ của cây vú bò, trộn với bột nghệ vàng để làm thuốc sử dụng trong các trường hợp đầy bụng, chướng hơi, táo bón.
Lá và quả vú bò sau khi rửa sạch, giã nát, chưng với rượu có tác dụng trị máu bầm trong các trường hợp ngã hoặc chấn thương.
Về mặt kinh tế, rễ cây vú bò có giá khá phải chăng, ở Việt Nam giá rơi vào khoảng 100.000 - 133.000 đồng/kg, trong khi ở Trung Quốc, giá dao động từ 40 - 80 NDT/kg (khoảng 130.000 - 260.000 đồng/kg).
Tổng hợp