Neem hay được gọi là xoan Ấn Độ, cây sầu đâu, có tên khoa học là Azadirachta indica, được sử dụng rộng rãi trong các công thức y học truyền thống của Ấn Độ từ gần 5.000 năm trước. Neem được các chuyên gia y học cổ truyền đất nước tỷ dân này ca ngợi là “cây thuốc đa năng nhất thế giới” suốt nhiều thế kỷ bởi tất cả các bộ phận bao gồm lá, hoa, hạt, quả, rễ và vỏ cây đều có thể được sử dụng được.
Ở Ấn Độ, từ xa xưa người dân đã nhai lá neem để tăng cường khả năng miễn dịch, bôi dầu neem dưỡng tóc và dùng vỏ cây neem để xua đuổi sâu bệnh và muỗi. Các nghiên cứu hiện đại cũng công nhận lợi ích sức khỏe của loại cây này với đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ký sinh trùng, chống viêm, chữa lành vết thương…
Kiểm soát đường huyết hiệu quả
Theo các nghiên cứu từ Mexico và Ả Rập Saudi, chiết xuất lá neem có thể là ứng cử viên cho các loại thuốc trị tiểu đường mới bởi nó có thể giúp phục hồi các tế bào sản xuất insulin - loại hormone giúp kiểm soát và làm giảm lượng đường trong máu.
Trong lá neem có chứa nhiều chất chống oxy hóa flavonoid, triterpenoid, hợp chất chống vi rút và glycoside, có thể giúp kiểm soát đường huyết. Vitamin A và vitamin C có trong loại lá này cũng giúp điều chỉnh giải phóng insulin.
Theo một nghiên cứu khác của Mỹ, dùng lá neem uống liên tục trong 14 ngày có thể giảm được lượng đường trong máu hiệu quả. Theo Tiến sĩ Ấn Độ, Samudrika Patil, việc dùng bột và trà từ neem 2 lần/ngày có thể ngăn chặn sự gia tăng glucose, từ đó ổn định đường huyết.
Tăng cường sức khỏe gan, thận và hệ miễn dịch
Lá neem có thể giúp ngăn ngừa tổn thương gan do hóa chất gây ra bằng cách ổn định nồng độ enzyme trong máu và tăng mức độ chống oxy hóa nhờ các carotenoids tự nhiên, vitamin E và C. Những chất chống oxy hóa này có thể hỗ trợ trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương tế bào ngừa một số bệnh về gan và thận.
Đặc tính kháng khuẩn, kháng virut và kháng nấm mạnh mẽ của loại thảo mộc này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, đau họng và các bệnh về hô hấp khác, tăng cường khả năng miễn dịch để bảo vệ cơ thể.
Chống lão hóa, cải thiện sức khỏe làn da
Trong một nghiên cứu của Mỹ, Tây Ban Nha và Đài Loan đã chỉ ra rằng dầu hạt neem rất giàu axit béo, bao gồm axit oleic, stearic, palmitic và linoleic. Nói chung, các axit béo này đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn giúp thúc đẩy làn da khỏe mạnh.
Lá neem chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất béo trung tính dưỡng ẩm và vitamin E, khiến nó trở thành một phương pháp điều trị chống lão hóa lý tưởng. Chiết xuất loại lá này thường được sử dụng trong mỹ phẩm, làm giảm nếp nhăn, nếp nhăn và vết thâm, đồng thời làm cho làn da trông săn chắc.
Còn trong y học cổ truyền Ấn Độ từ lâu đã sử dụng neem để điều trị bệnh vẩy nến và bệnh chàm. Bên cạnh đó, neem cũng được dùng để trị mụn trứng cá, giảm vết thâm và cải thiện độ đàn hồi của da.
Tăng cường sức khỏe tóc
Chiết xuất hạt neem có chứa azadirachtin, một hợp chất hoạt động có thể chống lại ký sinh trùng ảnh hưởng đến tóc và da. Trong nghiên cứu từ Ả Rập Saudi, chiết xuất dầu neem cũng có thể điều trị gàu nhờ đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của nó làm sạch nấm tích tụ trên da đầu - nguyên nhân chính gây ra gàu và kích ứng da đầu. Việc sử dụng dầu neem được chứng minh có hiệu quả trong việc tăng cường mọc tóc, ngăn tình trạng tóc bạc sớm và giữ tóc luôn mềm mượt.
Cải thiện sức khỏe răng miệng
Nhai vỏ cây neem để vệ sinh răng miệng là một thói quen phổ biến ở Ấn Độ. Các đặc tính sát trùng, chống viêm, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của neem có thể thúc đẩy sức khỏe răng miệng. Các nghiên cứu của Ấn Độ đã chỉ ra rằng neem có thể giảm đau và giúp điều trị viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy súc miệng bằng nước có thành phần cây neem có hiệu quả giảm chảy máu nướu và làm giảm mảng bám trên răng.
Lưu ý khi sử dụng cây neem
Neem thường được bán ở dạng dầu, chiết xuất, bột, trà và được thêm vào các sản phẩm chăm sóc tóc, da và răng miệng, trong đó mỹ phẩm, bột hay trà neem đều có bán ở Việt Nam. Vì các sản phẩm chiết xuất cây neem có khả năng hạ đường huyết nên có thể xảy ra với thuốc trị tiểu đường, chính vì vậy không nên dùng kết hợp và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Theo SCMP, MecicalNews