Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó

Nguyệt Phạm |

Loại cây này được ghi chép trong cổ văn của Ai Cập, Hy Lạp và La Mã.

Nội dung chính

  • Bí ẩn loại cây đã biến mất cách đây 2.000 năm
  • Loại cây có công dụng "thần kỳ" trong thời cổ đại

Bất ngờ tìm thấy loại cây biến mất 2.000 năm?

Theo một bài đăng trên Ancient Origins, vào năm 1983, khi đang đi bộ dưới chân núi Hasan – một ngọn núi lửa đang hoạt động nằm ở khu vực Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáo sư Mahmut Miski, một nhà thực vật học tại Đại học Istanbul, chợt phát hiện ra một khu vực đầy cây có hoa màu vàng. Mãi đến hai thập kỷ sau, ông mới nhận ra những điểm tương đồng của loại cây này với loài silphium cổ đại và bắt đầu nghiên cứu về chúng.

Qua quá trình quan sát và nghiên cứu các tài liệu ghi chép cổ, giáo sư đã nhận thức được rằng loài thực vật này đã từng được thu thập vào năm 1909 và khi đó nó được đặt tên Latin là Ferula drudeana.

Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó - Ảnh 1.

Loại cây được giáo sư Miski tìm thấy có màu vàng rực rỡ. (Ảnh: BBC)

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Miski đã phát hiện ra rằng thực vật này là một nguồn hóa chất phong phú với những đặc tính chống ung thư, tránh thai và chống viêm. "Chất hóa học trong loại cây này tương tự như những gì bạn tìm thấy trong cây hương thảo, lá atisô, cây xô thơm và galbanum, một loại cây Ferula khác," giáo sư đã chia sẻ với National Geographic. "Nó như là một sự kết hợp của nửa tá loại cây thuốc quan trọng trong một loài duy nhất." Mặc dù Ferula drudeana có tiềm năng chữa bệnh, nhưng Miski chỉ trở lại nơi này vào năm 2012 sau khi đọc về nó trong các sách cổ. Đây cũng là lúc ông bắt đầu nghi ngờ liệu nó có phải là loại cây silphium cổ đại đã biến mất 2.000 năm trước hay không.

Quan sát cho thấy nhiều điểm chung giữa hai loài thực vật theo mô tả cổ đại, nhưng điều đó chưa phải là tất cả. Tài liệu lịch sử ghi nhận rằng silphium nở hoa bất ngờ sau những trận mưa lớn - và theo Miski, loài thực vật ông quan sát cũng phát triển mạnh một tháng sau mùa mưa vào tháng tư.

Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó - Ảnh 2.

Quan sát cho thấy nhiều điểm chung giữa hai loài thực vật được tìm thấy năm 1983 và loài silphium trong cổ đại. (Ảnh: BBC)

Trong thời cổ, silphium được biết đến như một loài chỉ mọc hoang và không thể canh tác. Hippocrates đã ghi chép hai nỗ lực thất bại trong việc trồng trọt silphium ở Hy Lạp. Tương tự, cây mà Miski phát hiện cũng không thể trồng được.

Từ đầu thế kỷ 19, ba loài thực vật khác được cho là có liên quan đến silphium cổ, nhưng về mặt hình thái học, Ferula drudeana là ứng cử viên sáng giá nhất, theo nhiều chuyên gia. Trong thời cổ, silphium chất lượng cao nhất được cho là có nguồn gốc từ một khu vực cụ thể của thành phố Cyrene, hiện nay thuộc Lybia, cách nơi nghiên cứu của Miski ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng một nghìn km.

Một giải thích có thể là từ thời cổ, con người đã vận chuyển silphium đi xa và có thể họ đã cố gắng trồng nó ở những nơi mới dù gặp khó khăn.

Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó - Ảnh 3.

Loại cây được tìm thấy còn rất giống với hình ảnh silphium trên tiền xu của người Cyrenean. (Ảnh: BBC)

Ferula drudeana còn rất giống với hình ảnh silphium trên tiền xu của người Cyrenean, điều này cũng hỗ trợ cho giả thuyết nó là cùng một loài thực vật.

Điều đáng nói là sau khi silphium biến mất khỏi thế giới tự nhiên, không ít cuộc thám hiểm đã diễn ra nhằm tìm kiếm những vùng đất mà người ta hy vọng loại cây này còn tồn tại, nhưng tất cả đều không thành công.

Hành trình săn tìm loại thảo mộc bí ẩn

Silphium là một loài thực vật còn có tên khoa học Ferula drudeana, đã từng được người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã xưa rất ưa chuộng. Họ sử dụng nó để sản xuất một loại kẹo cao su có khả năng kích thích tình dục mà còn dùng để phòng tránh thai. Người xưa còn dùng cây này như một loại gia vị, nước hoa. Hơn nữa, nó còn được tin là có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.

Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó - Ảnh 4.

Silphium là một loại cây đã từng được người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã xưa rất ưa chuộng. (Ảnh: BBC)

Cây silphium nổi tiếng với những bông hoa màu vàng rực rỡ từng phổ biến ở vùng Cyrene của Libya cách đây 2.500 năm và đã được nhà biên niên sử La Mã Pliny the Elder ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Ông còn tiết lộ rằng Hoàng đế Nero đã sử dụng những cây silphium cuối cùng trên trái đất.

Sự biến mất của silphium được coi là sự tuyệt chủng đầu tiên của một loài thực vật hoặc động vật trong lịch sử được ghi chép. Nguyên nhân gây ra sự biến mất được cho là của silphium vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn nhưng có nhiều yếu tố được đưa ra. Nghiên cứu gần đây đã lập luận rằng sa mạc hóa ở Cyrenaica cổ đại là động lực chính dẫn đến sự suy giảm của silphium.

Tuy nhiên, giáo sư Miski đã phát hiện lại loài thực vật kỳ diệu bị lãng quên này. Dù vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng cần có thêm nghiên cứu để làm rõ hơn về khả năng của loại cây được được nghi ngờ là silphium này.

Loại cây biến mất 2.000 năm bất ngờ được tìm thấy: Là "thần dược chăn gối", Caesar thu món hời lớn nhờ nó - Ảnh 5.

Sự biến mất của silphium được coi là sự tuyệt chủng đầu tiên của một loài thực vật trong lịch sử được ghi chép. (Ảnh: BBC)

Các nhà nghiên cứu gần đây đã thực hiện kiểm nghiệm dược lý trên chuột với silphium thời đại mới và xác nhận rằng chiết xuất từ loại cây này có khả năng cải thiện đáng kể hành vi tình dục. Hiệu quả của nó rất đáng chú ý, đến nỗi họ hoàn toàn đồng tình với các mô tả từ thời cổ về công dụng thần kỳ của silphium. Do đó, loài thực vật này đã được xác nhận là một trong những liệu pháp cổ xưa nhất cho điều trị rối loạn chức năng tình dục.

Bài viết từ nhóm nghiên cứu của Giáo sư Miski, đăng tải trên National Geographic, mô tả rằng silphium, ngoài việc được sử dụng để cải thiện chức năng tình dục, cũng đã được các thần y Hy Lạp cổ đại áp dụng trong việc chữa trị đau dạ dày và mụn cóc. Thời kỳ La Mã, loại thực vật này từng có giá trị ngang bằng với bạc, và Hoàng đế Julius Caesar của người La Mã đã tích lũy được một lượng lớn tài sản nhờ việc thương mại hóa loại cây này.

 (Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại