Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu quả mít của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 36,3 triệu USD, tăng đột biến 101,5% so với tháng 12/2022. Đây là mức tăng lớn nhất trong tất cả các mặt hàng quả, cao hơn cả sầu riêng.
Lũy kế 12 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu trái mít đạt 236,8 triệu USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,9% tỷ trọng. Đây là mặt hàng đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trong 12T/2023, sau sầu riêng, thanh long và chuối.
Trong số các thị trường, Trung Quốc là khách hàng hàng đầu của mít Việt Nam. Quốc gia tỷ dân chủ yếu nhập khẩu mít từ Thái Lan và Việt Nam, mít từ Malaysia tuy chất lượng cao hơn nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn đứng sau Việt Nam và Thái Lan.
Cách đây 5 năm, người tiêu dùng Trung Quốc còn rất ít biết đến mít. Nhưng hiện nay nhu cầu tiêu thụ mít trên thị trường tăng mạnh và Chợ trái cây Gia Hưng (Chiết Giang) là trung tâm quan trọng trong việc phân phối mít từ Đông Nam Á. Các gian hàng bán mít có diện tích từ 4.000-5.000 m2, mặc dù sản lượng tiêu thụ rất lớn nhưng hầu hết người tiêu dùng đều mua cùi mít ở các siêu thị offline, và việc mua cả trái chỉ chiếm 3% -5% tổng lượng tiêu thụ hiện nay.
Theo số liệu từ chợ bán buôn trái cây Gia Hưng, lượng mít bán ra năm 2016 chỉ đạt 2.349 tấn. Con số này đã tăng hơn 10 lần lên gần 30.000 tấn trong năm 2017 và đạt gần 40.000 tấn vào năm 2018. Từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, chợ trái cây này đã bán 55.000 tấn mít.
Tại chợ này, mít trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ, còn chủ yếu là mít nhập khẩu từ Việt Nam và được đánh giá có chất lượng cao hơn mít trồng tại Trung Quốc.
Mít nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc chủ yếu là giống mít Thái (mít Chanrai) ruột vàng và một số mít ruột đỏ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nhập khẩu phần lớn để sơ chế làm sản phẩm sấy khô, chế biến thành bột mít.
Đặc biệt, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 11/2022, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu rau quả được ký kết có lợi cho Việt Nam. Điều này giúp mít Việt ngày càng tiến sâu vào trong chuỗi tiêu thụ rau quả của Trung Quốc.
Trong nước, tại các tỉnh phía Nam, cây mít được trồng từ rất lâu và trồng trên nhiều loại hình như trồng xen trong các vườn cây ăn quả, trồng chuyên canh. Hiện tại, nhà vườn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển được khoảng 10.105 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch 6.396 ha, năng suất 17,9 tấn/ha.
Tỉnh Hậu Giang hiện có tổng diện tích mít trên 3.000 ha, diện tích thu hoạch 1.432 ha, năng suất 23,1 tấn/ha, sản lượng 33.065 tấn, tập trung chủ yếu được trồng tại huyện Châu Thành với 79% diện tích mít của tỉnh. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An… diện tích mít không lớn, với tổng diện tích 2.625 ha. Diện tích mít chủ yếu được trồng xen trong vườn cây ăn quả, một số diện tích được chuyển đổi từ đất lúa.
Tiền Giang là địa phương có diện tích mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 6.031 ha, trong đó diện tích trồng mới là trên 2.200 ha, diện tích cho thu hoạch 3.797 ha, năng suất 20,5 tấn/ha, sản lượng 77.675 tấn.
Khi cây cho trái ổn định, chăm sóc tốt năng suất trung bình trong thời gian kinh doanh từ 20 đến 25 tấn/ha/năm, nếu so với lúa thì hiệu quả từ mít cao gấp nhiều lần.
Mít được xem là "cứu tinh của thế giới" vì nó có thể dễ dàng sống ở rất nhiều môi trường khác nhau, có khả năng chống chọi sâu bệnh và nhiệt độ cao, chịu hạn tốt. Khi cây trưởng thành, cây không cần chăm sóc nhiều. Kể cả trong hoàn cảnh khí hậu thay đổi, mít cũng sẽ là một trong những loại cây tồn tại và sinh trưởng được. Nước Mỹ cũng đã bắt đầu nhân giống thành công một số giống mít tại bang Florida.