Bài cuối: Cần được bảo tồn và phát triển
5 giờ, nhóm "cần thủ" đã đánh thức chúng tôi dậy để chuẩn bị đồ câu. Mặc dù trời mưa nhỏ nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm đi tìm loài cá hoa, cả nhóm không ăn sáng mà đi tới hồ dưới thác La Ve ngay, bởi theo các "cần thủ", hồ dưới chân thác La Ve là nơi cuối cùng có hy vọng săn được cá hoa trong ngày thường và phải đi sớm vì nắng lên là cá hoa không cắn câu.
Thác La Ve không cao nhưng khá hiểm trở, dòng nước chảy qua nhiều tầng đá, đổ xuống thành hồ nước lớn, trong vắt, sâu cả chục mét.
Theo "cần thủ" Vàng A Yêm, hồ nước dưới chân thác có nhiều cá hoa, thậm chí có một chú cá hoa nặng khoảng 8 kg, nhiều cần thủ gẫy cần và đứt dây cước mà vẫn chưa thể lôi được cá lên bờ.
Sau khi dừng chân bên hồ nước, nhóm cần thủ nhanh chóng buông hơn chục lưỡi câu, tìm chỗ trú mưa và chờ đợi.
Gần một giờ, con cá đầu tiên đã mắc câu, bằng kinh nghiệm, Lý A Sẩu quả quyết: "Trúng cá hoa rồi!". Cả nhóm ai cũng hào hứng vì "chiến tích" thu được sau 2 ngày vất vả.
Con cá hoa nặng gần 1 kg được cẩn thận đưa lên bờ, tận mắt nhìn mới thấy, hiếm có loài cá nước ngọt nào đẹp như cá hoa, lưng cá màu xanh đen, bụng trắng, dọc hai bên sườn là hai vệt vảy thẳng màu đen và vàng.
Dưới ánh nắng sớm, vảy cá ánh lên nhiều màu lấp lánh. "Cần thủ" Đào A Vinh nói: Có thể loài cá này được gọi là cá hoa vì có màu sắc vây, vảy đẹp như hoa văn.
Cả buổi sáng, nhóm của chúng tôi chỉ câu được một con cá hoa. Cuối cùng, con cá được một cần thủ trong nhóm mang về thả trong ao nhà để nuôi làm giống bởi không ai muốn thưởng thức loài cá đang có nguy cơ biến mất.
Mặc dù đã tận tay cầm con cá hoa, nhưng chừng đó là chưa đủ thỏa mãn sự tò mò của chúng tôi về loài cá đẹp, lạ này.
Qua tìm hiểu thông tin trên nhiều sách, báo và mạng internet, chúng tôi chưa hề bắt gặp một tài liệu nào nhắc về loài cá hoa sống tại các con suối bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn.
Đem những thắc mắc về loài cá hoa đến gặp Thạc sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng trại Thủy sản Quang Kim (Bát Xát), chúng tôi có một vài thông tin quý giá về loài cá này.
Thạc sỹ Dũng cho biết: Tài liệu duy nhất có đề cập thông tin về cá hoa là cuốn sách Phân loại học thủy sản, do Giáo sư Mai Đình Yên biên soạn.
Được biết, cá hoa thuộc họ cá chép, phân bố ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ở Lào Cai, cá thường sống ở những dòng suối thuộc huyện Sa Pa, Bát Xát. Có thể coi đây là loài cá bản địa của Lào Cai.
Hiện nay, ở Sa Pa đã có một số hộ thử nghiệm nuôi cá hoa để phát triển kinh tế.
Theo lời giới thiệu của Thạc sỹ Dũng, chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Thơm, xã Nậm Sài (Sa Pa), người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá hoa.
Căn nhà nhỏ của ông Thơm nằm cách UBND xã Nậm Sài không xa, trước cửa nhà là bể nước chừng 30 m3 được ông xây để nuôi cá hoa.
Ông Thơm tâm sự: Suối Nậm Sài trước đây có rất nhiều cá hoa, có con nặng chục kg. Năm 2012, thấy cá hoa lớn ở suối ngày càng khan hiếm, nên tôi đầu tư xây bể, bắt cá con từ suối về để nuôi, thuần dưỡng.
Cứ nghe thấy ở đâu người ta bắt được cá hoa là tôi tìm đến mua về thả vào bể. Lứa đầu tiên do không có kinh nghiệm nuôi nên bị chết gần 500 con cá bằng đầu đũa ăn cơm.
Dần dần, đàn cá ngày càng đông, có lúc tôi có 1.500 con cá hoa lớn nhỏ, con to nhất hiện đã được hơn 1 kg.
Đây là loại cá ăn tạp, rất dễ nuôi, chỉ cần cung cấp đủ nước sạch là có thể nuôi được. Nếu đầu tư bài bản, rất có triển vọng trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Giá bán cá hoa trên thị trường hiện nay khá cao, cá giống có thể lên tới 20.000 đồng/con; cá thịt 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng không có để bán.
"Tôi thử nuôi cá hoa trên bể một phần vì muốn phát triển kinh tế, một phần vì muốn bảo tồn giống cá quý này. Cứ đà phát triển thủy điện và đánh bắt như hiện nay, chẳng mấy chốc loài cá này sẽ biến mất khỏi các con suối" - ông Thơm buồn rầu.
Theo nghiên cứu của Thạc sỹ Dũng, ngoài tự nhiên, cá hoa thường ăn rong, rêu, mùn bã hữu cơ, khả năng sinh trưởng chậm, chất lượng thịt thơm, ngon. Cá hoa có khả năng thích ứng với biên độ nhiệt nước cao, khả năng kháng bệnh tốt.
Cá hoa là loài đang có nguy cơ biến mất ngoài tự nhiên, rất cần được nghiên cứu và bảo tồn. Bên cạnh đó, đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người mua để nuôi làm cảnh, có thể thuần hóa nuôi bằng thức ăn công nghiệp và nuôi để phát triển kinh tế.
Kết thúc hành trình theo dấu và tận mắt thấy loài cá được người dân Sa Pa quý như vàng, chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở về loài cá hoa, một loài cá ít được biết đến, đang có nguy cơ biến mất trên các dòng suối bởi sự khai thác quá mức của con người và việc phát triển thủy điện ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của chúng, loài cá hoa đang rất cần được bảo vệ.