Tàu sân bay nội địa của Ấn Độ Vikrant thực hiện chuyến đi biển thử nghiệm. (Ảnh: Hải quân Ấn Độ)
Ấn Độ đang tiến hành các cuộc tuần tra bằng tàu chiến nhiều hơn bao giờ hết, giữa lúc nước này lo ngại có thể mất vị trí thống lĩnh ở Ấn Độ Dương khi mà sức mạnh của hải quân Trung Quốc không ngừng tăng nhanh.
Theo các quan chức hải quân cấp cao của Ấn Độ, những vùng biển ngoài khơi Ấn Độ chưa từng chứng kiến có số lượng tàu hải quân kéo tới nhiều như hiện tại kể từ Thế chiến thứ Hai. Nguyên nhân là do Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang tăng cường triển khai thêm chiến hạm tới khu vực này.
Bloomberg đưa tin, khoảng 15 tàu chiến hải quân nước ngoài có mặt ở Ấn Độ Dương trong mọi thời điểm, gấp 3 lần so với thời kỳ sau vụ khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ khiến Washington quyết định tham chiến ở Afghanistan.
Giới chức Ấn Độ tự tin rằng họ có thể đối phó với các mối đe dọa ở thời điểm hiện tại. Song thực tế, việc thiếu nguồn kinh phí đầu tư khiến hải quân Ấn Độ khó có thể đuổi theo kịp tốc độ phát triển của Trung Quốc và các quốc gia khác.
Phần lớn tàu ngầm quan trọng được Ấn Độ triển khai tới các vùng biển để làm nhiệm vụ giám sát đã có thời gian hoạt động khoảng 20 năm. Trong khi kế hoạch tăng hạm đội tàu chiến lên 200 chiếc bao gồm trang bị chiếc tàu sân bay thứ 3 vẫn đang bị trì hoãn.
Ấn Độ hiện có khoảng 130 chiến hạm, chỉ bằng 1/3 so với hạm đội hải quân Trung Quốc vốn có tới 350 tàu chiến và tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc cũng đang đứng số 1 thế giới về số lượng tàu chiến sở hữu. Hồi năm ngoái, trong 3 lực lượng quân sự, hải quân Ấn Độ phải chứng kiến khoảng cách lớn nhất giữa bản đề xuất chi tiêu và khoản nhận về.
Cụ thể, trong bản báo cáo gửi lên chính phủ, các nghị sĩ Ấn Độ cho biết trong 5 năm, mức thâm hụt giữa bản đề xuất và khoản thực lĩnh của hải quân Ấn Độ đã tăng từ 5% lên thành 41%. Trong báo cáo mới nhất được đệ trình vào tháng 12/2021, khoản ngân sách thực tế mà hải quân Ấn Độ nhận được “chưa bằng một nửa” so với mong muốn của lực lượng này.
“Theo thời gian, Ấn Độ Dương ngày càng bị quân sự hóa, căng thẳng ở khu vực có xu hướng gia tăng”, Phó Giáo sư Anit Mukherjee tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam nhận định.
“Giải pháp đối với Ấn Độ là phát triển lực lượng hải quân nếu như muốn giải quyết các nhu cầu chiến lược và ngoại giao gia tăng”, ông Mukherjee nói thêm.
Đáng nói, dàn chiến hạm của Trung Quốc hiện diện ở Ấn Độ Dương từ năm 2008. Ấn Độ cho biết thường xuyên có từ 3 – 8 tàu chiến Trung Quốc tiến hành tuần tra liên tục ở vùng biển này. Tuy nhiên, phát biểu hồi tháng 12/2021, Tư lệnh hải quân Hari Kumar nhấn mạnh, “Tôi muốn nói hải quân Ấn Độ hiện tự tin bảo vệ các lợi ích hàng hải của quốc gia”.
Về phần mình, Ấn Độ cũng đặt thường trực các tàu chiến tới 5 vị trí án ngữ ở Ấn Độ Dương, trải dài từ vịnh Aden ở phía tây tới eo biển Malacca ở phía đông. Ấn Độ Dương là nơi vận chuyển 40% lượng dầu từ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở Trung Đông tới một số nền kinh tế lớn nhất ở châu Á.
Trong năm 2021, hải quân Ấn Độ đã tiến hành 50 cuộc tập trận chung với một số nước bạn. Đây là số lượng nhiều chưa từng có đối với hải quân Ấn Độ.
Dù đẩy mạnh hoạt động tuần tra và tập trận chung với các nước khác, song Ấn Độ hành động vô cùng thận trọng để tránh chọc giận Trung Quốc, do hai nước này vẫn đang bế tắc trong phương án hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya.
Theo một quan chức hải quân Ấn Độ, đây cũng chính là lý do chính phủ của Thủ tướng Modi từ chối những lời mời từ hải quân các nước cùng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông.
Trong những năm qua, hải quân Ấn Độ hướng tới xây dựng hình ảnh là lực lượng tham gia những sứ mệnh nhân đạo trên thế giới. Như vào năm 2015, hơn 26 quốc gia bao gồm Mỹ đã đề nghị Ấn Độ giúp sơ tán công dân giữa lúc cuộc nội chiến ở Yemen gia tăng căng thẳng. Sau đó, 6 tàu chiến Ấn Độ đã lên đường và sơ tán 4.000 công dân nước này cùng 1.200 người nước ngoài rời khỏi Yemen trước khi cảng Aden bị ném bom.
Trong vòng 2 năm qua, các tàu của hải quân Ấn Độ đã di chuyển 40.000 hải lý để vận chuyển thực phẩm, thuốc men và vũ khí cho các nước ở Ấn Độ Dương.
Vào ngày 26/12/2021, một chiến hạm của Ấn Độ cũng lần đầu tiên tới Mozambique và chở theo vũ khí cùng hàng hóa cứu trợ nhân đạo.