Sự kiện đưa vào biên chế tàu ngầm lớp Scorpene vào cuối tháng này sẽ là một dấu mốc trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tái thiết lực lượng chiến đấu dưới nước đã quá cũ kỹ. Tàu ngầm mới sẽ là chiếc đầu tiên trong 6 đơn đặt hàng sẽ được bàn giao.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc mở rộng đội tàu ngầm của họ lên gần 60 chiếc (trong khi Ấn Độ có 15 chiếc) và tăng cường hoạt động trên Ấn Độ Dương khiến các nhà chiến lược Ấn Độ coi là một thách thức an ninh quốc gia.
Một tàu ngầm chạy diesel lớp Yuan đã đi vào vùng biển Ấn Độ hồi tháng 5 và vẫn lẩn trốn đâu đó, một quan chức giấu tên của hải quân Ấn Độ tiết lộ. Đó là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân nhanh chóng trong lúc quân đội hai nước vẫn đang đối đầu nhau trên vùng ngã ba cao nguyên Himalaya.
Sự kiện Trung Quốc vừa khai trương căn cứ hải quân đầu tiên của họ ở Djibouti vào tháng 7 vừa qua ở phần tây Ấn Độ Dương, việc Trung Quốc bán tàu ngầm cho Pakistan và Bangladesh và chuyến viếng thăm vào năm ngoái của một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đến Karachi cũng cho thấy hải quân Ấn Độ chưa chuẩn bị nhiều để đối mặt những thách thức dưới biển.
“Việc thiếu kế hoạch dài hạn và cam kết mua sắm quốc phòng có thể coi là sự lơ là” của chính phủ Ấn Độ, ông Pushan Das, nhà nghiên cứu tại Chương trình an ninh quốc gia của Quỹ nghiên cứu quan sát viên tại New Delhi, nhận xét.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, Ấn Độ cần “chống lại các hoạt động ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc trong khu vực”. Người phát ngôn Nitin Wakankar của Bộ Quốc phòng Ấn Độ không bình luận về kế hoạch đội tàu ngầm của hải quân nước này.
Kể từ năm 1996, đội tàu tấn công của Ấn Độ giảm từ 21 xuống còn 13 tàu ngầm chạy bằng điện-diesel vì nước này không thay thế những tàu đã nghỉ hưu. Nhưng toàn bộ hạm đội gồm những chiếc tàu ngầm lớp Kilo xuất xứ từ Nga và tàu ngầm HDW của Đức ít nhất đã 20 tuổi. Tất cả số tàu này có thể hoạt động cho đến năm 2025.
Ngược lại, lực lượng tàu dưới nước của Trung Quốc có ít nhất 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 54 tàu ngầm tấn công chạy diesel. Đến năm 2020, lực lượng này có thể sẽ tăng lên 69 - 78 chiếc, theo số liệu trong đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc.
Nỗ lực dài hơi
Các nhà phân tích cho rằng, phải nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. “Vị trí địa lý đơn thuần cũng giúp Ấn Độ có lợi thế chiến lược lớn trên Ấn Độ Dương”, ông David Brewster, nhà nghiên cứu cấp cao tại ĐH Quốc gia Úc ở Canberra, nhận định.
“Và dù Trung Quốc đang phái các tàu ngầm tới, bạn cũng phải hiểu rằng họ cần mấy chục năm nữa để có thể trở thành thách thức nghiêm trọng đối với Ấn Độ ở đó, đặc biệt khi Mỹ cũng đang hiện diện”, ông Brewster nói.
Hải quân Trung Quốc cần vào Ấn Độ Dương sau khi đi qua vài điểm chết rất hẹp như eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia. Các máy bay giám sát của Ấn Độ trên vùng đảo Andaman và Nicobar có lần đã phát hiện tàu ngầm Trung Quốc vào tháng 5 năm nay.
Trong lúc đó, Ấn Độ nâng cấp hạm đội tàu dưới nước của họ một cách chậm chạp. INS Kalvari là chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp sản xuất mà Ấn Độ đặt hàng với giá 236 tỷ rupee (gần 85 nghìn tỷ đồng) vào năm 2005.
Hãng đóng tàu quân sự Mazagon Dock Shipbuilders và hãng Naval Group (tên cũ là Tập đoàn DCNS) là hai đơn vị thực hiện đơn đặt hàng. Quan chức quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre hồi tháng 7 nói rằng, chiếc tàu đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 8 này.
Tháng 2/2015, Ấn Độ thông qua kế hoạch mua sắm 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Rất ít thông tin về chương trình trị giá 600 tỷ rupee được tiết lộ.
Ngày 21/7 vừa qua, Ấn Độ khởi động một chương trình khác để trang bị thêm 6 tàu ngầm diesel nữa. Delhi đã gửi yêu cầu đến 6 nhà sản xuất của Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nga - Ý và Nhật Bản. Dự án này trị giá khoảng 500 tỷ rupee.
Bên cạnh việc mua thêm tàu ngầm tấn công, Ấn Độ còn đang phát triển năng lực răn đe hạt nhân dưới nước. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên có thể phóng tên lửa hành trình đã được đưa vào biên chế năm 2016, và theo chương trình, sẽ có ít nhất 3 tàu như vậy được trang bị.
Hải quân Ấn Độ đang sử dụng một tàu ngầm hạt nhân của Nga cho thuê trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2012, để huấn luyện. Trong khi đó, Trung Quốc có 4 tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa hành trình.
Nhưng ngay cả với những chương trình đã công bố, Ấn Độ khó có thể hoàn thành hạn chót vào năm 2030 cho việc tăng cường lực lượng tàu ngầm. Để ngăn ngừa cả Trung Quốc và Pakistan, các nhà lập kế hoạch xác định Ấn Độ cần ít nhất 18 tàu ngầm diesel, 6 tàu ngầm hạt nhân và 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Trung Quốc đòi Ấn Độ rút quân khỏi biên giới
Trung Quốc hôm qua nói rằng, Ấn Độ đang tăng cường lực lượng ở khu vực biên giới và yêu cầu Delhi "rút quân ngay lập tức", trong bối cảnh lực lượng hai nước vẫn đang đối đầu căng thẳng trên vùng ngã ba cao nguyên giao giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
"Đã hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra sự việc, và Ấn Độ vẫn đang không chỉ hiện diện trái phép trên đất Trung Quốc mà họ còn đang sửa đường ở phía sau, tăng cường quân sự, tập hợp số quân vũ trang lớn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Trong khi đó, Ấn Độ phủ nhận việc tăng cường quân sự. Trong một báo cáo hôm 3/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj thúc giục đối thoại dựa trên thỏa thuận chung đã được đưa vào văn bản liên quan vùng ngã ba biên giới mà các bên đạt được năm 2012.
Vụ đối đầu trên khu vực Doklam mà Trung Quốc gọi là Donglang là một trong những sự cố tồi tệ nhất giữa hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân trong hơn 30 năm qua.