Để hoàn thành lộ trình “xanh hoá” xe buýt này, Hà Nội cũng đã tiến hành vận hành các tuyến xe buýt điện từ 3 năm nay, tuy nhiên một lượng xe buýt truyền thống (xe động cơ diesel) đang vận hành và chiếm tỷ trọng lớn. Liệu lộ trình xanh hoá xe buýt có thành công?
Thay đổi phương tiện, thay đổi cả tư duy
Thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại có hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện.
Trong khi đó cũng theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hoá” xe buýt theo như lộ trình được nêu trong đề án, Hà Nội cần hơn 48.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố cần gần 36.000 tỷ đồng, còn lại hơn 12.600 tỷ đồng do doanh nghiệp cân đối bố trí.
Thời gian gần đây, quyết tâm chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh được đề cập rất mạnh song các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn còn không ít băn khoăn về cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn vốn đầu tư; vấn đề hạ tầng trạm sạc; đơn giá định mức cho xe buýt điện…
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội chia sẻ, để một doanh nghiệp (DN) đang chạy xe buýt truyền thống (xe động cơ diesel) chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, cần thay đổi phương tiện và phải thay đổi tư duy. Các DN xe buýt cần có quyết tâm, tìm nguồn lực nhằm vận hành ổn định ngay từ giai đoạn đầu để đi đường dài, đồng hành với thành phố để công cuộc chuyển đổi xe buýt xanh được nhanh chóng, tích cực nhất. Song song với đó, thành phố cũng cần sự hỗ trợ DN, với các chính sách tạo thuận lợi cho DN chuyển đổi.
Đại diện DN tiên phong của Hà Nội và cả nước đưa vào thí điểm vận hành loại hình xe buýt điện, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, nếu như xe diesel chỉ cần đổ dầu là lăn bánh mà không cần phải lo lắng thì với xe buýt điện cần phải tính toán khá kỹ lưỡng cho từng tuyến (sạc lúc nào, dung lượng bao nhiêu?) Đây là bài toán khó và khác biệt hơn so với xe diesel.
Theo Tổng Giám đốc Vinbus, áp lực với các DN đang vận hành xe buýt diesel hiện nay là chuyển đổi tài sản cũ ra sao khi thời hạn, giá trị sử dụng vẫn còn để thực hiện trách nhiệm bảo toàn dòng vốn đầu tư của Nhà nước.
Cần sự nỗ lực của doanh nghiệp
Để thực hiện được lộ trình xanh hoá xe buýt, giới DN cho rằng cần có cơ chế về mặt tài chính, hỗ trợ lãi vay cho DN. DN nào cũng quan tâm tới chi phí đầu tư tài chính. Nếu DN hoạt động bỏ quá nhiều tiền sẽ không có nguồn lực. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn, lãi vay.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, chuyển đổi sang xe chạy điện nói chung và xe buýt điện là một quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành nên bước đầu tiên cần thiết là có một cơ quan lãnh đạo và điều phối các nỗ lực để tối ưu hóa và chi phí liên quan.
Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch và vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết thành phố đã ban hành Nghị quyết 07 ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng số lượng lớn, trong đó ưu tiên phát triển phương tiện năng lượng xanh với các ưu tiên như phí bảo hiểm hành khách, phí cầu đường, bến bãi.
“Nghị quyết 07 đã định ra việc hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian đầu, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang đánh giá, điều chỉnh lại” - ông Tiến nói thêm.
Ông Bowen Wang - chuyên gia về giao thông của Ngân hàng Thế giới (WB) từng chia sẻ, để đạt mục tiêu 100% xe buýt công cộng nội đô là xe điện vào năm 2030, phía WB tính toán Việt Nam cần loại bỏ 9.600 xe buýt chạy dầu diesel hiện đang hoạt động và sắp hết tuổi thọ. Trong khi đó, cũng cần bổ sung thêm xe buýt điện theo Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030, Hà Nội và TPHCM lần lượt cần thêm khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện.
"Cơ quan quản lý nhà nước và các DN cần thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất sử dụng xe điện; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh loại bỏ xe chạy xăng, dầu; triển khai mạng lưới trạm sạc…" - ông Wang nói.